Dự báo lĩnh vực, địa phương dễ xảy ra tiêu cực để kiểm tra, giám sát
VOV.VN -Có ý kiến đề nghị tăng cường công tác dự báo những lĩnh vực, những đơn vị, địa phương có thể dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng để chỉ đạo kiểm tra, giám sát của Đảng.
Sáng 11/12 tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhiệm kỳ 2011-2015. Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì hội nghị.
Ông Ngô Văn Dụ phát biểu khai mại Hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ngô Văn Dụ nói: Hội nghị có nhiệm vụ đánh giá toàn diện các kết quả, ưu điểm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XI; chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém và nguyên nhân, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra những biện pháp để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng trong nhiệm kỳ 12 sắp tới.
Ông Ngô Văn Dụ cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhiệm kỳ qua được thực hiện trong bối cảnh có nhiều mặt thuận lợi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng đứng trước những khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng, chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Tình trạng buông lỏng vai trò lãnh đạo, quản lý, tự phê bình và phê bình, tính chiến đấu giảm sút còn diễn ra ở các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị; kỷ cương phép nước trong nhiều việc, nhiều lúc chưa nghiêm.
Thất thoát, lãng phí các nguồn lực trong quản lý kinh tế, đặc biệt là quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý doanh nghiệp nhà nước và chi tiêu ngân sách nhà nước chưa được ngăn chặn triệt để.
Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết làm cho công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng càng khó khăn, phức tạp và nặng nề.
Ông Ngô Văn Dụ nêu rõ: “Trong bối cảnh chung của đất nước, hội nghị cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những mặt thuận lợi và khó khăn đã tác động tới nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng nhiệm kỳ qua; thảo luận, phân tích làm rõ kết quả, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là những điểm mới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội và Điều lệ Đảng khóa XI, việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, dự báo chính xác tình hình sắp tới và đề ra nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, tập trung chỉ đạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong nhiệm kỳ tới”.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về kết quả hoạt động, kinh nghiệm thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là những vấn đề mới phát sinh trong nhiệm kỳ.
Các đại biểu thảo luận làm rõ những nhân tố, vấn đề mới có ảnh hưởng, tác động đến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng để từ đó làm căn cứ, điều kiện xác định những nhiệm vụ trọng tâm, đề xuất, bổ sung các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, có tính khả thi, sát với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng.
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhiệm kỳ 2011-2015 |
Từ thực tiễn chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát của Đảng tại tỉnh Quảng Ninh, ông Vũ Hồng Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị: “Trung ương tiếp tục cụ thể hóa kết luận 72 của của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát; nghiên cứu có quy định hướng dẫn cụ thể đối với mô hình thí điểm nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo và đề xuất Trung ương cho hợp nhất 2 cơ quan này. Trước mắt cho phép thí điểm ở cấp huyện trước để xem quá trình triển khai kết quả thực hiện có vấn đề gì từ đó nhân rộng. Để hợp nhất Ủy ban kiểm tra của cấp ủy với Thanh tra thành Ban Kiểm tra - Thanh tra”.
Các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bám sát Nghị quyết và theo hướng đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; Tăng cường công tác dự báo những lĩnh vực, những đơn vị, địa phương có thể dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, những bức xúc được nhân dân quan tâm để xây dựng kế hoạch và chỉ đạo kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, phải biết dựa vào dân để kiểm tra, giám sát, thông qua nắm tình hình tư tưởng của các tầng lớp nhân dân; mở rộng dân chủ, tăng cường hoạt động chất vấn, đối thoại, phản biện trong Đảng, trong xã hội để nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân; kịp thời phản ánh, phát hiện những biểu hiện suy thoái; Chủ động phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm để tăng tác dụng giáo dục, ngăn ngừa vi phạm./.