Góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng về công tác dân tộc
VOV.VN - Góp ý vào những nội dung liên quan đến dân tộc thiểu số trong dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, nhiều đại biểu
cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân tộc và các
cơ chế chính sách.
cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân tộc và các
cơ chế chính sách.
Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII về công tác dân tộc |
Góp ý vào những nội dung liên quan đến dân tộc thiểu số, nhiều đại biểu cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân tộc và các cơ chế chính sách, tập trung đầu tư có trọng điểm, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây duyên hải miền Trung.
Các đại biểu đề nghị cần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp; Chống kỳ thị dân tộc, nghiêm trị những âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt cần phát huy vai trò của những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Cần nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số và nâng cao nhận thức của những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi cũng đề nghị bổ sung thêm nhóm nhiệm vụ cơ bản đó là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số”.
Trong dự thảo báo cáo chính trị, theo nhiều đại biểu, phần đánh giá tình hình phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã nêu tương đối đầy đủ và bao quát. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung thêm công tác tập hợp, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị, Luật Dân tộc đã được đề cập trong nhiều năm nhưng chưa được ban hành; việc đầu tư cho vùng dân tộc miền núi vừa qua rất dàn trải, có chỗ hiệu quả thấp nên cần tập trung đầu tư có trọng điểm.
Ông Giàng Chí Ly, ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái đề nghị: “Trong dự thảo văn kiện XII của Đảng cần nêu rõ chính sách phù hợp với từng vùng, từng dân tộc. Tạo điều kiện phát huy bản sắc dân tộc của mỗi dân tộc”.
Ông Nguyễn Thanh Nhạc, dân tộc Tày, ở xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đề nghị: “Cần có sự đầu tư xây dựng các trạm tiếp sóng của Đài TNVN và của Đài THVN để đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng núi nghe và xem đài rõ hơn. Thứ hai, trong tờ báo Dân tộc và phát triển, cần thêm mục "Những son vàng lịch sử" của Cách mạng Việt Nam để người có uy tín nắm được, nói chuyện, trao đổi với bà con".
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với trên 13 triệu người, chiếm gần 15% dân số, là lực lượng rất quan trọng. Khẳng định vai trò quan trọng của người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, cần tiếp tục có giải pháp, chính sách để làm tốt hơn công tác vận động bà con dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Thiện Nhân mong người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục vận động bà con cùng nhau làm ăn xóa đói giảm nghèo, giữ gìn môi trường, bảo đảm trật tự trị an trên địa bàn./.