Lãnh đạo vụ lợi thì chuyện quà cáp, biếu xén vẫn còn
VOV.VN - Cán bộ, công chức không gương mẫu, khi động cơ vụ lợi là mục đích của người lãnh đạo thì chuyện quà cáp, biếu xén vẫn còn tồn tại dai dẳng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở phải tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí và bản thân Người là biểu hiện rõ nét nhất về sống giản dị, tiết kiệm. Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 11 về việc tổ chức Tết năm 2017 nhằm cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Hiện nhiều tỉnh, thành phố đã và đang cụ thể hóa Chỉ thị của Ban Bí thư.
Tại Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, chính quyền thành phố đã chính thức tuyên bố không tổ chức bắn pháo hoa vào Tết Nguyên đán. Số tiền hơn 10 tỷ đồng dự tính cho kế hoạch bắn pháo hoa sẽ ủng hộ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, năm nay, hạn hán, lũ lụt liên miên, các tỉnh miền Trung hứng chịu 5 trận lũ, đồng bào đang cần sự hỗ trợ của cả nước. Chính vì vậy, cả nước dồn sức để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại là vô cùng cần thiết.
Chỉ thị của Ban Bí thư ra đời vào thời điểm này rất hợp lòng dân. Hơn nữa chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao đạo đức của người cách mạng thì cần quyết tâm thực hiện cho được Chỉ thị này. “Tôi rất đồng tình với các tỉnh ủy, thành ủy không bắn pháo hoa để số tiền đó ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung”, ông Nguyễn Túc nói.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý của Chỉ thị 11 là đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chủ trương xóa bỏ chuyện tặng quà, chúc Tết lãnh đạo cấp trên trong dịp lễ tết của Ban Bí thư đã nhận được sự đồng thuận sâu sắc của người dân, nhưng quan trọng hơn là phải được sự hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện của người trong cuộc.
Ai tặng quà, ai nhận quà vào những dịp đặc biệt này? Rõ ràng không thể là người dân bình thường. Mục đích của việc này ai cũng biết, không ít trường hợp thăm hỏi chúc Tết chỉ là cái cớ còn tặng quà mới quan trọng.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cho rằng, chuyện tặng quà từ xa xưa vốn để thể hiện cái tình trong sáng, nhưng thời gian gần đây đã bị biến tướng thành hành động mưu cầu danh lợi, tạo cơ hội cho tham nhũng, tiêu cực. Bởi vậy, ngoài chế tài, để ngăn chặn được vấn nạn đi ngược lại thuần phong mĩ tục này, cần sự gương mẫu của quan chức các Bộ, ngành, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.
“Nhân dân hoan nghênh thấy được quyết tâm của Đảng nhưng vấn đề chính là tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở. Cấp trên có nhiều khởi sắc nhưng làm sao để cấp dưới, nhất là cấp cơ sở nhận thức được”, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu nhấn mạnh.
Tại phiên họp Chính phủ cuối năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc lại về sự gương mẫu, kiên quyết không tiếp khách đến chúc Tết, tặng quà. Càng gần đến Tết Nguyên đán, càng có nhiều lãnh đạo địa phương kêu gọi cấp dưới không tặng quà cấp trên.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh Thừa Thiên- Huế, ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy tuyên bố: "Từ nay đến Tết âm lịch, đừng ai đến thăm, tặng quà cho tôi, mà hãy dành thời gian chăm lo đời sống cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách đang còn nhiều khó khăn. Không có gì phải áy náy cả”.
Làm sao để Chỉ thị của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng về việc cấm tặng quà cấp trên trở thành hiện thực? Đây là câu hỏi khó nếu tình trạng "trên bảo, dưới không nghe" vẫn diễn ra. Trước khi có chế tài bằng luật pháp thì mấu chốt của vấn đề vẫn là con người. Khi cán bộ, công chức không gương mẫu, khi động cơ vụ lợi là mục đích của người lãnh đạo thì chuyện quà cáp, biếu xén vẫn còn tồn tại dai dẳng.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội trước tiên cần giám sát có hiệu quả để phát hiện ai là người không chấp hành để xử lý nghiêm; nhất là đối với tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách, tài sản công để tặng quà, biếu xén vì mục đích vụ lợi. Ông cũng hy vọng Chỉ thị này ra đời, các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu gương mẫu thì sẽ giảm bớt tình trạng biếu xén, quà cáp.
Lần đầu tiên cả nước đón Tết Nguyên đán sẽ không có pháo hoa, không khí tuy có trầm lắng nhưng lòng người thì ấm áp bởi số tiền sẽ được dùng để ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Hi vọng, với chủ trương của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng về việc không chúc Tết cấp trên sẽ được lãnh đạo các ngành, các cấp, các địa phương hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện, tạo niềm tin cho nhân dân về một Chính phủ minh bạch và liêm khiết cũng như góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng./.