“Thách thức với hai Bí thư Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải rất lớn”
VOV.VN - Thách thức phía trước đối với hai Tân Bí thư Thành uỷ Hà Nội và TP HCM rất lớn, đòi hỏi cả tâm và tầm; tài cá nhân cũng như sự hỗ trợ của hệ thống.
Những việc làm ban đầu của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng được dư luận rất quan tâm và đánh giá cao. Tuy nhiên, để giải quyết nhiều vấn đề lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển ở hai thành phố trọng yếu của đất nước cần một tầm nhìn và tư duy chiến lược cũng như nhiều yếu tố khác.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu – ĐH Quốc gia Singapore) – người có nhiều năm nghiên cứu về tăng trưởng và phát triển. Các báo cáo nghiên cứu của ông và đồng nghiệp được những cấp ra quyết định ở Singapore và nhiều quốc gia khác đánh giá cao.
PGS Vũ Minh Khương |
PV: Ông từng bày tỏ ấn tượng về suy nghĩ và phẩm chất của đội ngũ cán được bầu tại Đại hội XII của Đảng. Thời gian qua, chắc ông cũng theo dõi những thông tin được dư luận rất quan tâm về hai Tân Bí thư Thành ủy của Hà Nội và TPHCM?
PGS Vũ Minh Khương: Tôi cho việc bổ nhiệm Bí thư Thành ủy của Hà Nội và TP HCM ngay sau Đại hội Đảng của Bộ Chính trị là một bước đi rất hay trong điều kiện hiện có.
Quyết định này xuất sắc ở ba điểm.
Thư nhất, nó thấy được tầm quan trọng đặc biệt của hai thành phố và yêu cầu bức thiết phải đổi thay mạnh mẽ ở hai động lực trọng yếu này.
Thứ hai, chọn đúng hai người có năng lực và quyết tâm hành động.
Thứ ba, việc bổ nhiệm hai người có nhiều phẩm chất tương tự cùng một lúc sẽ tạo ra sự tương tác học hỏi, khích lệ tính quyết đoán, tinh thần sáng tạo và nỗ lực vượt lên.
PV: Qua những việc làm dù còn nhỏ của ông Hoàng Trung Hải và ông Đinh La Thăng, một nền quản trị phụng sự nhân dân có nhiều hy vọng sẽ được thúc đẩy tại hai thành phố quan trọng nhất của đất nước?
PGS Vũ Minh Khương: Tôi thấy có hy vọng. Những nỗ lực bước đầu của hai Tân Bí thư Thành ủy, dù mới là khởi đầu nhưng rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, thách thức phía trước rất lớn, nó đòi hỏi không chỉ tâm mà cả tầm; không chỉ tài cá nhân mà cả sự phối thuộc hỗ trợ của cả hệ thống.
Tôi muốn thấy hai Tân Bí thư khi đốc thúc giải quyết vấn đề cụ thể cần luôn đặt ra ba câu hỏi để chuyên gia và các cấp giúp trả lời thấu đáo: Thứ nhất, bài toàn này các thành phố hàng đầu thế giới đã giải quyết thế nào? Thứ hai, có thể sử dụng công nghệ thông tin để giúp việc giải quyết loại vấn đề này hiệu quả hơn không? Thứ ba, cần cải cách gì, chính sách và thiết chế gì mới để loại vấn đề này được giải quyết triệt để?
Tôi mong anh Hải hay anh Thăng hành động với tầm nhìn xa và suy nghĩ về công việc với tấm lòng hiến dâng.
PV: Điều quan trọng là cần một tầm nhìn chiến lược cho Hà Nội và TP HCM. Là người nhiều năm nghiên cứu về chính sách tăng trưởng, phát triển, ông có thể “hiến kế” cho hai tân Bí thư Thành uỷ?
PGS Vũ Minh Khương: Đây là những vấn đề lớn, cần có sự bàn luận thấu đáo trước khi “hiến kế”. Trước mắt, tôi chỉ có hai đề xuất.
Thứ nhất, để giải quyết việc cấp thời do người dân phản ánh, các thành phố nên học tập kinh nghiệm “xử lý một cửa” của Singapore. Theo cách này, Thành ủy (ở Singapore là văn phòng Thủ tướng) bổ nhiệm một cán bộ chủ chốt theo dõi giám sát việc thực thi các phản ánh của người dân qua một phần mềm dùng cho điện thoại di động. Mọi phản ánh của người dân được gửi qua phần mềm này và nó sẽ tự động đến cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết.
Ngày giờ nhận được thông tin phản ánh của người dân được ghi rõ và lưu vào hồ sơ. Tiến độ giải quyết được hiển thị để lãnh đạo các cấp đều có thể theo dõi đánh giá. Lãnh đạo các ban ngành do đó đều phải dốc sức đôn đốc nâng cao chất lượng công tác của đơn vị mình. Nó như cầu thủ trên sân bóng, phải đá hết sức hoặc xin ra khỏi sân nếu không còn sức làm tốt.
Thứ hai là tập hợp chuyên gia và các doanh nhân có kinh nghiệm cùng dồn sức xây dựng chiến lược phát triển của thành phố. Với Singapore, chiến lược là chìa khóa để đi đến mọi thắng lợi.
PV: Bài toán phát triển mạnh mẽ nhưng phải giữ được bản sắc văn hoá của Hà Nội và TP HCM cần được giải quyết như thế nào, thưa ông?
PGS Vũ Minh Khương: Sức phát triển sâu rộng và mạnh mẽ của một đất nước hay một địa phương tùy thuộc phần lớn vào khả năng khơi dậy và phát huy các yếu tố tinh hoa của mình. Vì vậy, một công cuộc phát triển mạnh mẽ và sâu rộng bao giờ cũng gắn với sự chói sáng về bản sắc văn hóa. Kinh nghiệm của Nhật bản, Hàn quốc và Singapore đều cho thấy rõ bài học này.
Điều chúng ta đáng lo là một số địa phương tìm kiếm sự phát triển bằng lệ thuộc hoàn toàn vào một vài dự án đầu tư nước ngoài rất lớn.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bí thư TP HCM Đinh La Thăng |
PV: Ông có niềm tin và kỳ vọng như thế nào đối với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng?
PGS Vũ Minh Khương: Tôi rất có thiện cảm với hai anh Hoàng Trung Hải và Đinh La Thăng. Về niềm tin và kỳ vọng về sự đổi thay của hai thành phố, tôi thấy cần thời gian để đánh giá đầy đủ hơn ba yếu tố then chốt có tác động gia cường lẫn nhau sau đây:
Thứ nhất là lòng nhiệt tâm hành động. Hiện yếu tố này rất mạnh mẽ.
Thứ hai là tầm nhìn và tư duy chiến lược. Hai Bí thư Thành uỷ cần tham khảo chuyên gia về xây dựng thiết chế quản lý và chính sách mà mọi cán bộ và người dân đều cảm thấy phấn chấn tham gia, thấy sự nghiệp phát triển thành phố không chỉ đem lại lợi ích cho chính bản thân gia đình mình mà còn là một sứ mệnh cao quí với đất nước trong giai đoạn đầy thử thách hiện nay.
Thứ ba là sự hỗ trợ đặc biệt của Trung ương. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cần được coi là điểm tựa chiến lược cho nền kinh tế cả nước cất cánh. Việt Nam không thể có nền kinh tế với năng suất cao và hàm lượng tri thức lớn nếu TP Hồ Chí Minh và Hà Nội không có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vưc này trong những năm tới.
Nếu yếu tố thứ hai và thứ ba không được coi trọng thích đáng thì yếu tố thứ nhất sẽ khó bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Bí thư Đinh La Thăng: Sẵn sàng nhận nhiệm vụ lãnh sự các nước giao