Tổng Bí thư Trường Chinh và quan điểm nhìn thẳng vào sự thật
VOV.VN- Nhà báo Hà Đăng nói: Dấu ấn sâu sắc mà đồng chí Trường Chinh với tư cách người đứng đầu Đảng ghi lại là đưa ra quan điểm mới về đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật.
Phóng viên VOV phỏng vấn nhà báo Hà Đăng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương về những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh.
Nhà báo Hà Đăng trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV. |
Người cộng sản kiên cường mẫu mực
PV: Khi nhắc đến Tổng Bí thư Trường Chinh không chỉ các nhà nghiên cứu lý luận mà người dân thường cũng nhìn nhận đó là nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà lý luận sắc sảo, nhà tổ chức thực tiễn từng trải và nhà văn hóa có tầm nhìn chiến lược? Ông nhận xét gì về những ý kiến đánh giá của người dân về Tổng Bí thư Trường Chinh?
Nhà báo Hà Đăng: Đây không chỉ là những đánh giá của các nhà nghiên cứu lý luận hay nhìn nhận của người dân thường mà đó còn là đánh giá chính thức của Đảng ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong diễn văn đọc tại lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh ngày 5/10/1988 đã nêu rõ: Đồng chí Trường Chinh là người cộng sản kiên cường mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhà văn hóa và nhà báo lớn, nhà thơ với bút danh Sóng Hồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng nói, dưới màu cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng. Vai trò của đồng chí là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc cách mạng tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.
Đồng chí Trường Chinh tham gia cách mạng từ lúc 18 tuổi (năm 1925), 20 tuổi đồng chí gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, 34 tuổi (năm 1941) đồng chí là Tổng Bí thư của Đảng. Cũng chính năm 1941, tại Hội nghị Trung ương 8, lãnh tụ Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh đã đề xuất cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (tức là Mặt trận Việt Minh) và các đoàn thể cứu quốc.
Ngày 9/3/1945, đồng chí Trường Chinh chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng, ra "Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" và chủ trương tổng khởi nghĩa. Trong kháng chiến chống Pháp, tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Trường Chinh đã định hướng cho Đảng, nhân dân chiến đấu và vững tin vào thắng lợi cuối cùng.
Tổng Bí thư Trường Chinh, tháng 12/1986 - Ảnh: TTXVN |
Nói Trường Chinh là nhà văn hóa lớn, chúng ta không thể quên được tác phẩm “Đề cương văn hóa Việt Nam” mà đồng chí khởi thảo năm 1943 với 3 phương châm: dân tộc, khoa học, đại chúng. Chúng ta cũng không thể quên báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam được đọc tại Đại hội văn hóa cứu quốc lần thứ 2 họp ở Phú Thọ, tháng 7/1948. Đây là một tác phẩm sáng giá của văn hóa, văn nghệ nước ta thời bấy giờ.
Không ai có thể quên được câu nói nổi tiếng hồi đó của đồng chí Trường Chinh để khích lệ sự phê bình: Không có phê bình, không có luận chiến, phong trào văn nghệ nước ta êm đềm quá, trầm mặc quá. Nó khác nào con ngựa đi bước một, rũ cổ xuống đất, thiếu một cái roi phê bình quất cho nó lồng lên.
Người có công lớn trong việc khởi xướng đường lối đổi mới
PV: Trong tiềm thức của rất nhiều người, cống hiến đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư Trường Chinh chính là đặt nền móng cho công cuộc Đổi mới. Quá trình khảo nghiệm thực tiễn, đổi mới tư duy cũng như những bước thăng trầm đấu tranh về tư duy, về quan điểm như thế nào để đi đến đường lối đổi mới nhằm đưa đất nước thoát khỏi sự khủng hoảng toàn diện, thưa ông?
Nhà báo Hà Đăng: Đồng chí Trường Chinh trong tư cách Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn từ tháng 7/1986, là người có công lớn trong việc khởi xướng đường lối đổi mới. Khách quan mà nói, đổi mới không phải là công trình hay sản phẩm của riêng một cá nhân nào mà là công trình, sản phẩm tập thể của lãnh đạo Đảng ta, của Trung ương và Bộ Chính trị xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 đất nước thống nhất, chúng ta có tư tưởng chủ quan, nóng vội, muốn tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội trong một thời gian ngắn. Do nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó quản lý kinh tế có những khuyết điểm về mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp bộc lộ ngày càng gay gắt dẫn tới đất nước dần lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Trong hoàn cảnh đó, vấn đề sống còn là đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng. Muốn vậy, trước hết phải thay đổi mạnh mẽ cách nghĩ, cách làm, từ đó có những tìm tỏi, thử nghiệm cách làm mới.
Tổng Bí thư Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất
Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 8/1979) với chủ trương bằng mọi cách làm cho sản xuất bung ra là bước đột phá đầu tiên. Đại hội V của Đảng đã chỉ ra nguyên nhân chủ quan gây nên sa sút của nền kinh tế là những khuyết điểm, sai lầm về lãnh đạo và quản lý. Để góp phần khắc phục tư tưởng nóng vội, Đại hội đã đưa ra khái niệm về chặng đường trước mắt (chặng đường đầu tiên) của thời kỳ quá độ nhằm để điều chỉnh bước đi. Dẫu sao, trong đánh giá tình hình cũng như trong quan niệm về xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn còn vương vấn khá nặng tư duy cũ.
Dấu ấn sâu sắc mà đồng chí Trường Chinh với tư cách người đứng đầu Đảng ghi lại là đưa ra quan điểm mới về đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Ông cũng là người đưa ra 5 bài học của đổi mới.
Giữ mãi hình ảnh anh Năm – Trường Chinh
PV: Một trong những đức tính rất đáng kính trọng của Tổng Bí thư Trường Chinh là ông đặc biệt coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, có tính phản biện, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như đối với sự nghiệp phát triển của nước ta?
Nhà báo Hà Đăng: Đối với sự nghiệp phát triển của đất nước nói chung cũng như trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng, quan điểm mà đồng chí Trường Chinh nêu lên nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật vẫn giữ nguyên giá trị, chẳng những thế còn có tính thời sự nóng hổi. Tại sao đồng chí Trường Chinh lại có thể đưa ra được một quan điểm đúng đắn như vậy? Vì đồng chí nghe tất cả tình hình, ý kiến người này, người khác một cách nghiêm túc và nghe để tiếp thu, điều chỉnh hành động của mình.
Trong khi khẳng định công cuộc đổi mới trong 30 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, chúng ta cũng cần thấy rõ bên cạnh thời cơ thuận lợi vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn và thách thức lớn. 4 nguy cơ mà Đảng ra đã chỉ ra vẫn còn đó, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta và tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nghiêm chỉnh lắng nghe những ý kiến phản hồi trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu lên 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và chỉ rõ: từ suy thoái dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường.
Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã coi cuộc đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc chiến đấu đầy cam go, nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta.
Để chuẩn bị cho Đại hội VI, đồng chí Trường Chinh đã đi thực tế tại nhiều địa phương để nắm bắt tình hình và lắng nghe các đề xuất. (Ảnh tư liệu) |
Nhà báo Hà Đăng: Đồng chí Trường Chinh – nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ như hòa quyện với nhau làm một. Dưới bóng một cây đại thụ khó mà không cảm thấy mình bé nhỏ. Trường Chinh là một con người trí tuệ uyên thâm, nói năng cân nhắc, từ tốn, lắng nghe người khác nói và nói lại với người nghe những điều cần nói một cách ôn tồn, không áp đặt.
Con người tưởng là nghiêm nghị ấy lại có nét cười rất hồn nhiên, cởi mở, tao nhã và thân tình. Cái cười có thể xóa tan mọi e ngại cho những ai lần đầu tiếp xúc; cái cười làm dịu đi sự lo lắng của những người vừa bị phê bình do có khuyết điểm; cái cười độ lượng, bao dung của một người anh, người bác, người cha; cái cười để kéo mọi người lại bên mình chứ không phải đẩy người ta ra xa.
29 năm đã trôi qua kể từ ngày đồng chí Trường Chinh ra đi, trong lòng tôi vẫn giữ mãi hình ảnh một anh Năm – Trường Chinh hiền hòa, vẹn toàn, chân, thiện, mĩ.
PV: Xin cảm ơn ông./.