Đất nước đã có một đội ngũ nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục tâm huyết, sáng tạo
VOV.VN - Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều 15/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, chúc mừng đoàn 30 đại biểu các thầy cô giáo lão thành, các đại biểu đại diện cho Hội Cựu Giáo chức Việt Nam.
Thay mặt Đảng, Nhà nước gặp mặt các Thầy, Cô giáo đã nghỉ hưu tập hợp trong Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Chủ tịch nước bày tỏ cảm ơn, tri ân các Nhà giáo vì những đóng góp lâu dài, có hiệu quả cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà, cống hiến cho sự nghiệp trồng người, vì một tương lai tươi sáng cho dân tộc, đồng thời mong muốn các cựu nhà giáo tiếp tục truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm của mình cho thế hệ sau, góp phần vào sự phát triển của ngành giáo dục nói riêng và đất nước nói chung.
Với một lực lượng cựu nhà giáo đều là các trí thức ở khắp các lĩnh vực trên cả nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hội Cựu Giáo chức Việt Nam thời gian qua đã có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực giáo dục nước nhà. Hội đã thiết lập được mạng lưới hội viên rộng khắp tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 46 trường Đại học trực thuộc Trung ương Hội, với 60 vạn hội viên.
Chủ tịch nước đánh giá cao Hội thực hiện 4 cùng rất có ý nghĩa với Ngành giáo dục đào tạo, đó là: Cùng tham gia đánh giá phát hiện tình hình; Cùng tham gia góp ý, xây dựng chương trình hoạt động của ngành; Cùng tham gia triển khai một số công việc có chọn lọc; Cùng phối hợp chăm sóc đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ hưu,.... Nhiều chế độ chính sách đã được ban hành trên cơ sở kiến nghị của Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Theo đó, Hội đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách đối với Nhà giáo nói chung và Nhà giáo về hưu nói riêng, như khôi phục phụ cấp thâm niên; trợ cấp một lần cho Nhà giáo về hưu sau năm 1994 và trước tháng 5/2019 chưa được hưởng phụ cấp thâm niên, từ đó, Nhà nước đã trợ cấp cho gần 200.000 nhà giáo về hưu với số tiền hơn 2.200 tỷ đồng.
Cùng với đó, Hội đã vận động hội viên giữ vị thế “Nhà giáo – Người trí thức – Người cao tuổi” trên địa bàn dân cư, làm chỗ dựa cho cấp ủy, chính quyền địa phương, lan tỏa những tấm gương sáng, những giá trị tốt đẹp, những năng lượng tích cực trong xã hội.
Nhấn mạnh truyền thống văn hóa hiếu học, tôn sư trọng đạo, đạo lý thầy - trò góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, các Nhà giáo càng thêm yêu nghề dạy học, tiếp tục giữ vững phẩm chất và năng lực để góp phần đưa sự nghiệp giáo dục – đào tạo nước nhà ngày càng phát triển tốt đẹp, đưa đất nước đến dài vinh quang.
Chủ tịch nước gặp Hội Cựu Giáo chức Việt Nam
Kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, ngày hội lớn của các Nhà giáo và là ngày vui của toàn thể học sinh trong cả nước. Có kỷ niệm sâu sắc nào bằng kỷ niệm về tình thầy trò trong những năm học dưới mái trường tuổi thơ. Có niềm vui, niềm hạnh phúc nào bằng được học các Thầy giáo, Cô giáo tận tụy hết lòng vì học sinh thân yêu. Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để mỗi người chúng ta đến thăm hỏi, chúc mừng, bày tỏ lòng quý trọng và biết ơn các Thầy giáo, Cô giáo. Kỷ niệm Ngày Nhà giáo là dịp để các cấp lãnh đạo và quản lý nhìn lại việc chỉ đạo, điều hành bộ máy giáo dục và quan tâm chăm lo đội ngũ cán bộ, giáo viên. Các tầng lớp nhân dân cũng có dịp để phát huy ý thức trách nhiệm đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần cùng Đảng và Nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đối với Nhà giáo, đây cũng là dịp thể hiện lòng yêu mến trẻ, rèn luyện phẩm chất, tay nghề, giữ vững lương tâm và trách nhiệm, đem trí tuệ và tài năng cống hiến cho sự nghiệp vẻ vang là giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ của đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước đánh giá cao công lao to lớn, sự hy sinh thầm lặng của các nhà giáo tiếp tục bồi đắp truyền thống của nhà giáo Việt Nam. Đặc biệt, có nhiều nhà giáo có trình độ cao, có những công trình khoa học đóng góp cho ngành và đất nước. Cho rằng, mỗi sự hy sinh cống hiến, mỗi sự sáng tạo khoa học giáo dục có được chấp nhận, phát huy hay không đều thông qua các nhà quản lý giáo dục từ cấp cao đến cơ sở, Chủ tịch nước cho rằng, điều đáng tự hào là trong nhiều chục năm qua, đất nước ta đã có một đội ngũ nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục tâm huyết, sáng tạo.
Chủ tịch nước đánh giá, đất nước ta có 100 triệu dân thì có đến 23 triệu học sinh, sinh viên, là một tỷ lệ học sinh đến trường cao như thế, cho thấy áp lực rất lớn không chỉ trực tiếp các thầy, cô giảng dạy trực tiếp mà còn cả đối với các nhà quản lý giáo dục. Do đó cũng cần tiếp tục quan tâm hơn đến các thầy, cô giáo và các nhà quản lý giáo dục.
Lắng nghe một số kiến nghị của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương Binh xã hội, nghiên cứu để có đề xuất chính sách cụ thể./.