Đẩy mạnh Ngoại giao phục vụ Phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế
VOV.VN - Ngày 15/8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 tiếp tục phiên họp Đẩy mạnh Ngoại giao phục vụ Phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, cùng Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chủ trì phiên họp. |
Phiên họp do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, cùng Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì.
Trong tham luận “Công tác ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu đặt ra từ nay tới Đại hội Đảng XIII”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, kể từ Hội nghị Ngoại giao 29 cách đây 2 năm, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, bất ngờ, đem lại những ảnh hưởng và hệ lụy chưa từng thấy. Trong bối cảnh này, đường lối, chủ trương sáng suốt của Đảng, chính sách, pháp luật đúng đắn của Nhà nước, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ đã giúp ngành đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) phục vụ phát triển nói riêng đạt được những thành tích đáng kể, đóng góp thiết thực cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực cho phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ngành Ngoại giao đã quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị Ngoại giao 29. Hiện nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 27 nước. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam với thế giới, nhờ đó ngày càng đi vào chiều sâu, mở rộng trên mọi lĩnh vực. Chỉ trong hai năm 2016, 2017, Ngoại giao đã tham mưu “đúng và trúng” cho 90 đoàn cấp cao, vừa khéo léo sử dụng các chuyến thăm làm đòn bẩy tháo gỡ, vướng mắc trong triển khai hợp tác, vừa lồng ghép thành công nội hàm kinh tế trong các thỏa thuận cấp cao, đáp ứng lợi ích của đất nước, địa phương và doanh nghiệp.
“Ngoại giao kinh tế phải bám thật sát những yêu cầu của từng ngành, vùng, sản phẩm có thế mạnh của đất nước, tìm ra lợi thế so sánh để chủ động phục vụ doanh nghiệp, người dân; tận dụng các hoạt động ngoại giao chính trị, các chuyến thăm cấp cao nhằm thúc đẩy các hợp đồng, thỏa thuận kinh tế quan trọng; tranh thủ quan hệ tốt với các nước để tháo gỡ, khó khăn, trở ngại trong hợp tác kinh tế; tận dụng và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại; linh hoạt, sáng tạo xử lý các thách thức và tận dụng các cơ hội từ các cơ chế hợp tác tiểu vùng”, ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn trình bày tham luận tại Hội nghị. |
Các kết quả của ngoại giao song phương được bổ khuyết hiệu quả với những thành công trong đối ngoại đa phương. Hình ảnh của dân tộc, vị thế của đất nước, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế được nâng cao đáng kể với thành công vang dội của Năm APEC 2017, những đóng góp thiết thực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ cuối năm 2015.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Việt Nam đã từng bước tham gia hình thành, định hướng và thậm chí tạo dựng các cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính đa dạng, phong phú, đan xen và đa tầng nấc. Với định hướng lớn của đối ngoại Việt Nam là “xây dựng và triển khai chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng, ký kết và thực hiện hiệu quả các hiệp định tự do thế hệ mới”.
Trong bối cảnh mới, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đưa ra một số đề xuất phương hướng triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Trong đó, ngành Ngoại giao cần phải góp phần đề xuất các giải pháp, ứng xử chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, tranh thủ sự hỗ trợ, kinh nghiệm của đối tác.
Việt Nam cần tạo đan xen lợi ích với các đối tác quan trọng, chủ chốt không chỉ đưa quan hệ đi vào chiều sâu mà còn tranh thủ nguồn lực phù hợp cho phát triển, thu hút FDI thế hệ mới trong các lĩnh vực mà ta ưu tiên như công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, kinh tế biển… Việt Nam cần nâng tầm đối ngoại đa phương, tận dụng các cơ chế liên kết kinh tế đa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam cần tiếp tục duy trì vị thế và hoàn thành các trách nhiệm quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành Ngoại giao cần là người đồng hành tin cậy với các địa phương, doanh nghiệp trong các quá trình thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường trọng điểm, tiềm năng. Ngành ngoại giao cần chú trọng nâng cao năng lực triển khai công tác Ngoại giao kinh tế để phát huy lợi thế của ngành ngoại giao, tranh thủ nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển, tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo về công tác Ngoại giao kinh tế, nâng cao hiệu quả phối hợp trong ngoài, với các Bộ/ngành, địa phương và doanh nghiệp./.