Cơ quan ngoại giao là tai, mắt giúp mở ra cơ hội hợp tác thương mại
VOV.VN - Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đang diễn ra tại Hà Nội, các Đại sứ đã có những chia sẻ quý báu về ngoại giao kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước cũng như việc quảng bá hình ảnh để mở rộng du lịch của Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi.
Trên tinh thần đó, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Trung Quốc đã đầu tư nguồn nhân lực để mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại của Việt Nam nói chung, các địa phương của Việt Nam nói riêng với toàn bộ vùng cũng như các địa phương của Trung Quốc.
Đại sứ Đặng Minh Khôi nói: “Thứ nhất, chúng tôi phải là tai, là mắt để hiểu rõ về tình hình để thông tin kịp thời đến Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương cũng như gửi các thông tin về địa bàn Trung Quốc đến các địa phương mà họ quan tâm, đây là điều hết sức quan trọng.
Thứ hai, Đại sứ quán Việt Nam cũng thường xuyên kiến nghị với Bộ Ngoại giao đưa thêm nhiều nội dung hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên kể cả những cuộc tiếp xúc cụ thể bằng các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước.
Vấn đề thứ ba là chủ động phối hợp với các bộ, ngành và thậm chí là cả các doanh nghiệp để tổ chức nhiều diễn đàn hợp tác doanh nghiệp. Hiện chúng tôi chuyển sang đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp không cần qui mô lớn tại các địa phương của Trung Quốc mà phải có thực chất, có tiềm năng tăng cường hợp tác với Việt Nam”.
Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở Trung Quốc cũng thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp trong làm ăn như tìm hiểu, điều tra, xác minh các đối tác; giúp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hợp tác cụ thể.
Về hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc, những năm gần đây, ngày càng có nhiều khách du lịch Trung Quốc tìm đến Việt Nam bởi ấn tượng với phong cảnh đẹp, ẩm thực đặc sắc và hàng hóa tốt. Nếu mở rộng hơn nữa về du lịch thì đây cũng là một kênh để quảng bá hình ảnh, quảng bá trực tiếp sản phẩm của Việt Nam.
“Để phát triển vấn đề này, chúng tôi phối hợp tổ chức nhiều buổi xúc tiến du lịch đồng thời chủ động nhiều hoạt động. Ví dụ như xúc tiến du lịch tại Thẩm Dương, Phúc Kiến - những nơi mà nhiều người Trung Quốc chủ yếu chọn điểm đến là Nhật Bản, châu Âu thay vì đến Việt Nam. Việc làm này đã có kết quả khi những năm gần đây lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam thường xuyên tăng trưởng 50% và hiện khách Trung Quốc đến Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Thái Lan”, Đại sứ Đặng Minh Khôi nói.
Ngoại giao kinh tế: Cầu nối doanh nghiệp các nước
Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan Đoàn Thị Xuân Hiền. |
Xác định ngoại giao kinh tế là một trong những trụ cột hết sức quan trọng, cần thúc đẩy, Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan Đoàn Thị Xuân Hiền cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan đã luôn đóng vai trò kết nối doanh nghiệp hai nước.
Theo Đại sứ Đoàn Thị Xuân Hiền, nhiều doanh nghiệp Kazakhstan tìm đến thị trường Việt Nam và đề nghị Đại sứ quán hỗ trợ trong việc tìm các bạn hàng ở các lĩnh vực mà họ quan tâm.
Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan Đoàn Thị Xuân Hiền khẳng định, hai nước có những cơ hội hợp tác đầu tư thương mại lớn, nhất là từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực ngày 5/10/2016. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ những năm trước, đạt trên 500 triệu USD năm 2017, trong đó Kazakhstan lần đầu tiên xuất siêu sang Việt Nam.
Thông tin với phóng viên về các hoạt động xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi, Đại sứ Vũ Văn Dũng cho biết, hàng năm phía Việt Nam đều có những hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại với các doanh nghiệp Nam Phi thông qua Hội chợ Cites tổ chức tại thủ đô Johannesburg.
Với sự kiện này, thường xuyên có hàng chục doanh nghiệp Việt sang Nam Phi để quảng bá, kết nối đầu tư, tìm cơ hội hợp tác.
Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Vũ Văn Dũng cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi rất ủng hộ và mong muốn thúc đẩy hoạt động này; đồng thời bày tỏ hy vọng, sắp tới hai nước sẽ trao đổi đoàn cấp cao để tạo thêm cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai bên.
Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Vũ Văn Dũng. |
Không chỉ đóng vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hai nước, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài còn đóng vai trò "người bảo vệ" cho các doanh nghiệp trong nước khi tranh chấp thương mại xảy ra.
Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha Ngô Tiến Dũng nói: “Đại sứ quán luôn cố gắng cung cấp thông tin doanh nghiệp yêu cầu, cung cấp thông tin những doanh nghiệp có tranh chấp. Chúng tôi tìm hiểu và thông qua các tổ chức của bạn cũng như trong nước, kể cả luật sư để tìm ra cách hỗ trợ xử lý hiệu quả nhất các tranh chấp thương mại, chẳng hạn việc trả chậm hoặc lấy hàng nhưng không trả tiền.
Chúng tôi cũng kết nối giữa doanh nghiệp Tây Ban Nha và Việt Nam thông qua các cuộc hội thảo, công tác địa phương, cơ chế ngoại giao đoàn, đặc biệt là các nước ASEAN, chúng tôi cũng có tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, gặp gỡ doanh nghiệp địa phương, lãnh đạo địa phương, kết nối doanh nghiệp”.
Đại sứ Ngô Tiến Dũng cũng chia sẻ, cơ quan đại diện ngoại giao luôn xác định doanh nghiệp nào cũng là doanh nghiệp và sẵn sàng hỗ trợ tối đa có thể./.