Đề xuất nâng tiền đặt trước để ngăn thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất
VOV.VN - Chính phủ đề xuất quy định đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.
Sáng 26/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 13 thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Dự án luật sẽ được trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới.
Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản
Cùng với đó khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Dự thảo luật lần này cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Đấu giá tài sản đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Đáng chú ý là có bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án.
Cụ thể là thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá dài hơn so với tài sản thông thường; cách thức xác định tiền đặt trước trong trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền hoặc theo số lượng khối tài sản và giá khởi điểm cao nhất…
Dự thảo quy định, trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.
Ý kiến thảo luận cho rằng, đấu giá quyền sử dụng là nội dung rất quan trọng nhưng đang bộc lộ rất nhiều phức tạp, như thông đồng thổi giá, dìm giá, dẫn đến làm lợi bất chính cho một số cá nhân, tổ chức, do đó, việc sửa luật lần này cần quy định cụ thể để hạn chế tính trạng trên.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam cho rằng, mức đặt cọc cùa các hàng hóa khác nhau cần quy định khác nhau. Những tài sản có ảnh hưởng lớn như tài chính, đất đai thì mức cọc phải từ 20- 30% để tránh việc bỏ cọc sau khi đã đẩy giá lên tạo ra tín hiệu sai lệch cho thị trường.
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Trần Văn Lâm cũng dẫn trường hợp đất bị thổi giá lên đến chục lần, làm cho nền tảng giá bị thay đổi, dẫn đến nguy cơ bong bóng, đổ vỡ của cả thị trường. Việc thực hiện biện pháp kinh tế như mức đặt cọc tương xứng sẽ “để họ không thể trả giá cao bất thường”. Tuy vậy, ông cho rằng, không thể tối đa 20% vì tỷ lệ này này chưa giải quyết được vấn đề.
Ngoài ra, để chống thao túng trong đấu giá, ông Trần Văn Lâm tán thành với một số ý kiến khác là cần đấu giá qua mạng vì bên cạnh hiệu qủa thì còn “không lộ mặt thì ai biết ai mà câu kết dìm giá hay thổi giá”.
Trước băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm đã cân nhắc rất kỹ nhưng cũng không thể nâng lên quá cao. Vì mức thông thường chỉ từ 5 – 20%, nếu nâng lên quá cao thì sẽ là hàng rào kỹ thuật loại bỏ người muốn mua.