Điểm khác biệt trong cuộc bầu cử ở Đà Nẵng
VOV.VN - Đây là năm đầu tiên Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết về thí điểm chính quyền đô thị, không tổ chức bầu cử HĐND cấp quận, phường, trừ huyện Hòa Vang.
Ngày hội toàn dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào ngày 23/5 tới. Với thành phố Đà Nẵng, đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 119 của Quốc hội về thí điểm chính quyền đô thị, không tổ chức bầu cử HĐND cấp quận, phường, trừ huyện Hòa Vang. Đây cũng là một cuộc bầu cử tiến hành trong điều kiện đặc biệt vì dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Gần đến ngày bầu cử, đội ngũ cán bộ tại các xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng càng thêm bận rộn. Gần 1 tháng nay, họ vừa tập trung chống dịch Covid-19, vừa chuẩn bị công tác bầu cử. Tổ chức bầu cử trong điều kiện dịch bệnh, nhiều khu bị cách ly, phong tỏa nên phát sinh nhiều tình huống ngoài kế hoạch.
Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho biết, chính quyền địa phương đã in các catalog hướng dẫn bầu cử phát kèm với thẻ cử tri. Cử tri có thể tra cứu thông tin của đại biểu trước, giảm thời gian ở lại điểm bỏ phiếu để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
“Hiện nay, phường đã gửi danh sách về người ứng cử đến từng hộ dân, trong đó có đầy đủ thông tin trích ngang, tóm tắt, thời gian, địa điểm bầu cử, tiết kiệm thời gian để cử tri vào điểm bầu cử để lựa chọn đại biểu. Năm nay, do dịch bệnh nên công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn dịch bệnh ở các tổ bầu cử rất quan tâm, vì vậy nâng khối lượng công việc lên gấp đôi, gấp ba lần" - ông Cao Đình Hải cho biết.
Theo Nghị quyết 119 Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, nhiệm kỳ 2021-2026, ngoài huyện Hòa Vang và 11 xã của huyện này bầu đủ HĐND 4 cấp, 6 quận và 45 phường còn lại của thành phố Đà Nẵng chỉ bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố, không bầu đại biểu HĐND quận, phường. Huyện Hoàng Sa cũng giới thiệu 2 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố. Huyện đảo Hoàng Sa và 3 phường Mân Thái, Thọ Quang, Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà thuộc đơn vị bầu cử số 10.
Tại thành phố Đà Nẵng, có 89 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026, bầu chọn ra 52 đại biểu. Cử tri Nguyễn Trí Tổng, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu cho rằng, những người trúng cử lần này phải thể hiện vai trò đại biểu “ba trong một”, đi cơ sở nhiều hơn, áp lực nhiều hơn.
“Khó khăn nhất là vấn đề giám sát và phản biện xã hội. Trước đây có HĐND quận, phường thì sẽ giám sát việc thực thi, giám sát quyền lực của người đứng đầu. Bây giờ, không có HĐND thì phải tăng cường HĐND cấp thành phố, phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị dưới cơ sở" - cử tri Nguyễn Trí Tổng nói.
Vào đầu tháng 7 tới, mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng chính thức có hiệu lực, trong đó chỉ có 1 cấp chính quyền địa phương thành phố gồm HĐND và UBND, còn lại 2 cấp hành chính ở quận và phường không tổ chức HĐND quận, phường. Lúc đó, tại thành phố Đà Nẵng sẽ tồn tại 2 mô hình quản lý. Đó là, mô hình chính quyền đô thị tại 6 quận, 45 phường và mô hình 3 cấp chính quyền tại huyện Hòa Vang. Yêu cầu, trọng trách đặt ra cho các đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ tới rất nặng nề và quy chế phối hợp giữa các cơ quan giám sát cần phải được thực hiện chặt chẽ hơn.
Ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế, HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng, số đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố sẽ được tăng cường nhiều hơn. Bởi không tổ chức HĐND quận, phường thì vai trò và cơ chế phối hợp giữa đại biểu HĐND thành phố, giữa Thường trực và các ban của HĐND thành phố với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, quận và phường sẽ được đưa vào quy chế phối hợp. UBND thành phố sẽ nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể quy chế hoạt động của UBND quận và phường.
Vai trò giám sát hoạt động của cơ quan hành chính ở quận, phường như thế nào khi không còn HĐND? Về vấn đề này, ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho biết, sắp tới Mặt trận Thành phố sẽ phối hợp với Ban Dân vận Thành phố tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành văn bản thực hiện chức năng giám sát của mình theo đúng theo tinh thần Nghị quyết 119 của Quốc hội và Nghị định 34 của Chính phủ triển khai mô hình chính quyền đô thị. Theo ông Dương Đình Liễu, vai trò giám sát, phối hợp giám sát giữa HĐND thành phố với Mặt trận được thực hiện thông qua những quy định cụ thể và hữu hiệu hơn.
“Theo Nghị định 34 của Chính phủ, UBND phường, quận là cấp hành chính. HĐND thành phố là cơ quan quyết định chủ trương, chính sách phù hợp theo Luật Tổ chức chính quyền quy định. Chức năng giám sát của các đoàn thể, chính trị xã hội, trong đó vai trò Ủy ban Mặt trận đặt vào vị trí cao hơn, phối hợp với HĐND thành phố triển khai đồng bộ công tác giám sát, phản biện xã hội" - ông Dương Đình Liễu cho biết./.