Đoàn Công tác Trung ương kiểm tra phòng chống tham nhũng ở Bắc Cạn
VOV.VN - Qua kiểm tra, giám sát sẽ đánh giá tình hình, nhất là việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Ngày 24/7, Đoàn công tác số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Bắc Kạn để triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Theo kế hoạch, Đoàn công tác sẽ làm việc tại tỉnh Bắc Kạn từ ngày 25/7 đến ngày 5/8.
Đoàn công tác của BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Tỉnh ủy Bắc Kạn |
Từ năm 2011 đến nay đã phát hiện và xử lý 29 vụ việc liên quan đến tham nhũng, lãng phí. Xử lý, thu hồi hàng chục tỷ đồng, trên 20.000 m2 đất và các tài sản khác…
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân. Một số cấp ủy đảng chưa quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả.
Ghi nhận những kết quả của tỉnh Bắc Kạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Thông qua kiểm tra, giám sát để nắm tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và kết quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; trọng tâm là thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; góp phần “nhận diện” và xử lý các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; từ đó chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo.
Việc kiểm tra, giám sát bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị được kiểm tra, giám sát.
Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu đến thăm hỏi, tặng quà các gia đinh chính sách tại tỉnh Bắc Kạn nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 |
Đoàn đã đến thăm Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Kạn; thăm gia đình bà Hoàng Thị Cam, mẹ liệt sỹ Đinh Kim Hoạch ở phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn; thăm gia đình ông Trần Văn Sinh, 85 tuổi, thương binh 1/4, ở tổ 14, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn. Đây là hoạt động cụ thể nhằm tri ân công lao to lớn của các thương binh, bệnh binh; đồng thời góp phần động viên các gia đình chính sách vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
** Cùng ngày, Đoàn công tác số 8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang về kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Phát biểu tại cuộc làm việc, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh: Đợt kiểm tra lần này sẽ bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc; đưa ra đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Tỉnh Hà Giang cần quán triệt sâu sắc mục đích chính của đợt kiểm tra. Đặc biệt làm rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp một cách cụ thể, chi tiết các nội dung; cấp ủy, từng cơ quan chức năng phải phân tích kỹ để các số liệu về công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Từ đó đề ra các phương án triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách hiệu quả; từng thành viên cấp ủy địa phương cần vào cuộc một cách trung thực, thực tâm, thẳng thắn; phương án tiến hành có trọng tâm trọng điểm.
Qua công tác kiểm tra, giám sát sẽ làm rõ những kết quả, kinh nghiệm đạt được, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều tra, truy tố xét xử để công tác phát hiện và xử lý tham nhũng kịp thời, hiệu quả.
Từ năm 2011 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã tiến hành kiểm tra 44 cuộc đối với 44 tổ chức Đảng và 33 đảng viên; giám sát 29 cuộc đối với 29 tổ chức Đảng và 37 đảng viên. Kết quả từ năm 2011 đến nay, các cấp ủy đã thi hành kỷ luật 23 tổ chức Đảng (khiển trách 20, cảnh cáo 3) và 1.009 đảng viên; vi phạm về tham nhũng 27 trường hợp; cố ý làm trái 23 trường hợp…
Theo kế hoạch, Đoàn công tác số 8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ làm việc với các cơ quan, đơn vị gồm: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an, Thanh tra Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cục thi hành án, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Cục Hải quan, Cục thuế, Chi cục Quản lý thị trường, huyện Đồng Văn và Thành ủy thành phố Hà Giang../.
Triển khai kế hoạch kiểm tra giám sát, phòng chống tham nhũng ở Hà Nam