Đoàn giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa làm việc với tỉnh Hưng Yên
VOV.VN - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu tỉnh Hưng Yên tăng cường đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục công lập, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học.
Sáng nay (8/4), Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên.
Tham dự buổi làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hưng Yên.
Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 346 trường từ tiểu học đến THPT, 172 cơ sở giáo dục thường xuyên. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, đảm bảo đúng yêu cầu, tiến độ của ngành.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát cho biết, qua khảo sát thực tế tại một số cơ sở giáo dục, năng lực của một bộ phận nhà giáo còn hạn chế, công tác đào tạo và bồi dưỡng còn bất cập, tình trạng thiếu nhiều giáo viên ở các cấp học, môn học.
Bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát cho biết, thông thường sẽ tổ chức một cuộc tập huấn online tập trung, các trường sẽ được mời tới một điểm để họp trực tuyến. Tuy nhiên, thời gian rất hạn chế, ví dụ như 2 ngày đi học cả 6 bộ môn. Qua đánh giá của một số giáo viên cho thấy việc tập huấn như vậy không đủ thời gian, không đủ thời lượng để cho các giáo viên có thể nắm được các nội dung.
"Cơ bản là giáo viên sẽ phải tự nghiên cứu để có thể nắm được các bộ môn của bộ sách giáo khoa mới và có nhiều trường hợp thời gian tập huấn này chủ yếu chỉ là để giúp giới thiệu và bán sách giáo khoa", bà Nguyễn Thanh Cầm nói.
Giải trình về các vấn đề mà đoàn giám sát nêu ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho rằng, điều kiện cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục còn hạn chế bởi nhiều lý do và hiện tỉnh đang có đề án đầu tư, đảm bảo tất cả học sinh đều có chỗ học.
"Ở đây nói là thiếu, không phải thiếu trường học mà là thiếu lớp học. Lý do thiếu lớp học vì tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh và có xuất hiện các luồng di cư các nơi về làm việc, các nhà máy, xí nghiệp của Hưng Yên, khoảng hơn 100.000 lao động tập trung, nhất là 3 huyện Yên Mỹ, Văn Lâm và Mỹ Hào. Ba huyện đó hiện nay thiếu các phòng học trầm trọng, tỉnh đã có đề án đầu tư tập trung cho tất cả các cấp đảm bảo đủ không thiếu phòng học, thậm chí còn rất đẹp", ông Trần Quốc Văn cho biết.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, thời gian tới tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh để xem xét, điều chỉnh đáp ứng tốt hơn nhu cầu người học; chú ý việc sáp nhập các cơ sở giáo dục phù hợp, tránh cơ học; tăng cường đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục công lập, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học. Đồng thời chú ý đến lộ trình và các giải pháp thực hiện; bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018./.