Đổi mới hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri- Những cách làm hay ở Hậu Giang
VOV.VN - Tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân được hiểu là việc đại biểu Hội đồng nhân dân thông qua các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức gặp gỡ cử tri nơi bầu ra mình để thu thập ý kiến, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Đến với cử tri bằng cách nào, nói với cử tri cái gì, với cách thức ra sao cho hiệu quả để cử tri cảm nhận được rõ ràng đại biểu lắng nghe tiếng nói của mình, đồng cảm với mình và giúp mình giải quyết những vấn đề đang vướng mắc là trăn trở của đại biểu quốc hội, HĐND các cấp tại các địa phương trong cả nước thời gian qua.
Qua loạt bài “Đổi mới trong hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri- Những cách làm hay ở Hậu Giang”, phóng viên VOV sẽ giới thiệu về những mô hình mới của HĐND các cấp tại đây trong việc tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, ghi nhận và giải quyết kiến nghị của cử tri. Những mô hình này đã từng bước đưa hoạt động của HĐND các cấp tại tỉnh ngày càng hiệu lực, hiệu quả, góp phần cùng hệ thống chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh của địa phương, đặc biệt là tạo được niềm tin yêu, sợi dây gắn kết mật thiết giữa đại biểu dân cử với cử tri khi đại biểu gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân hơn.
Khi đại biểu dân cử chủ động tìm đến với dân
Mô hình “Cà phê cử tri” được Hội đồng nhân dân xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang tổ chức vào sáng sớm ngày thứ 7 của tuần giữa tháng xoay vòng tại các ấp trong xã để gặp gỡ, trò chuyện với cử tri. Trong không khí vui tươi, cởi mở, thân tình, cử tri không còn tâm lí e ngại khi phát biểu với chính quyền địa phương nên nhiều vấn đề băn khoăn, bức xúc đã được nêu ra để cùng nhau giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Hậu ở ấp Trầu Hôi, xã Thạnh Xuân bộc bạch: “Cà phê cử tri được thực hiện để bà con có tâm tư nguyện vọng, có thắc mắc gì thì bà con trao đổi thẳng thắn. Chứ bây giờ khi chúng ta tiếp xúc cử tri mời lên huyện thì rõ ràng bà con không có điều kiện đi, còn ở đây thì gần. Sáng nào người dân cũng uống cà phê thì bà con lại phản ánh lên, tạo điều kiện cho người dân gần gũi hơn, rất dân chủ.”
Nếu mô hình “Cà phê cử tri” ở xã Thạnh Xuân được cử tri ở đây ghi nhận, đánh giá cao bởi rút ngắn khoảng cách giữa cử tri với lãnh đạo địa phương, giúp cơ quan và đại biểu dân cử ngày càng gần gũi thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân hơn, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động thì tại nhiều xã, thị trấn ở huyện Châu Thành A thời gian qua đông đảo bà con cử tri cũng hoan nghênh mô hình “Ngày Chủ nhật lấy ý kiến cử tri”.
Chị Bùi Thị Anh Đào ở ấp Thạnh Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, là công nhân may giày da cho Công ty TNHH Lạc Tỷ II ở Khu Công nghiệp Tân Phú Thạnh đã 14 năm nay, tâm sự: “Làm công nhân từ thứ 2 đến thứ 7, có khi tăng ca 7-8 giờ tối nên đâu có thời gian gặp gỡ chính quyền địa phương mà mình ý kiến. Mình có tâm tư, nguyện vọng gì đó thì đề nghị lên xã, huyện, các cấp trên những vấn đề gút mắc cho chính quyền địa phương nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của những người dân lao động chúng tôi".
Huyện Châu Thành A nằm ở cửa ngõ của tỉnh Hậu Giang. Huyện này có Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh rộng hơn 200ha, với tổng số công nhân đang làm việc tại đây hơn 15.300 người. Nhiều công nhân trong quá trình lao động còn gặp nhiều khó khăn về chỗ nghỉ, điều kiện lao động, chế độ chính sách, cuộc sống gia đình,.. tuy nhiên thời gian qua các cấp chính quyền rất khó khăn trong việc tiếp cận vì anh, chị, em làm việc xuyên suốt chỉ nghỉ được ngày chủ nhật.
Xuất phát từ thực tiễn này, Thường trực HĐND huyện Châu Thành A đã làm cầu nối thông qua sự phối hợp của 10 tổ đại biểu HĐND huyện ở 10 xã, thị trấn trong huyện tổ chức mô hình “Ngày Chủ nhật lấy ý kiến cử tri ”. Với mô hình này, HĐND huyện kết hợp với địa phương đi trực tiếp đến các hộ gia đình công nhân trên địa bàn gặp gỡ, tiếp xúc tư, nắm bắt nguyện vọng về đời sống và điều kiện làm việc,… để kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc của bà con.
Ông Huỳnh Vương Quan- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Châu Thành A cho biết: “Mô hình này trong thời gian qua rất hiệu quả bởi vì những nội dung mà công nhân muốn được chia sẻ với chính quyền thì nhân cơ hội này sẽ chia sẻ tâm tư, gửi gắm hoặc công nhân yêu cầu vấn đề gì thì được các cơ quan phòng, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của huyện sẽ giải quyết tại chỗ. Nếu mà vượt thẩm quyền thì báo cáo để trên giải quyết cho công nhân giúp họ yên tâm lao động, sản xuất. Trong thời gian vừa qua, sau khi thực hiện mô hình này thì rõ ràng những vấn đề bức xúc của công nhân khi cần chia sẻ với chính quyền giảm rất lớn bởi những yêu cầu của người dân đã được giải quyết. Vì vậy người dân không cần tốn nhiều thời gian để đến cơ quan của huyện.”
Tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân được hiểu là việc đại biểu Hội đồng nhân dân thông qua các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức gặp gỡ cử tri nơi bầu ra mình để thu thập ý kiến, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri chuyển tải đến Hội đồng nhân dân, đồng thời báo cáo với cử tri việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu. Làm tốt công tác tiếp xúc cử tri, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của cử tri sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của người đại biểu Hội đồng nhân dân, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là vai trò của đại biểu HĐND các cấp.
Với những mô hình, cách làm hay của HĐND các cấp trong tỉnh Hậu Giang đã mang lại những hiệu quả tích cực như thế nào? Vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập ở các bài sau.