Đối ngoại địa phương góp phần vào thành công của đối ngoại Việt Nam
VOV.VN - Các hoạt động hợp tác quốc tế cấp địa phương tiếp tục được các tỉnh, thành phố quan tâm thúc đẩy góp phần vào thành công chung của đối ngoại Việt Nam năm 2014.
Sáng 27/1, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác đối ngoại địa phương 2014 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2015. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn chủ trì và điều hành Hội nghị.
Báo cáo về công tác đối ngoại địa phương năm 2014 do ông Phùng Thế Long, Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) trình bày cho thấy, năm 2014 được đánh giá là một năm thành công trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới giảm phát, hòa bình ổn định của đất nước có lúc bị đe dọa, mặt trận đối ngoại của ta vẫn gặt hái được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Bên cạnh đó, công tác đối ngoại cũng góp phần tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả hơn.
Ông Phùng Thế Long cũng cho biết, trong thành tích chung của công tác đối ngoại có những đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương.
Năm 2014, các hoạt động hợp tác quốc tế cấp địa phương tiếp tục được các tỉnh, thành phố quan tâm thúc đẩy. Đã có 53 thỏa thuận hợp tác mới được ký kết, trải rộng trên khắp các khu vực châu Á (29 cặp), châu Âu (15 cặp), Trung Đông – Bắc Phi (04 cặp), châu Úc (03 cặp), châu Mỹ (02 cặp).
Bên cạnh các thỏa thuận cấp địa phương, các tỉnh, thành phố đã ký kết 150 Bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài nhằm tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nội dung hợp tác được mở rộng toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, y tế giáo dục, môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn, vận động vốn đầu tư và viện trợ.
Về kinh tế đối ngoại, các địa phương đã đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thông qua các biện pháp hữu hiệu như: cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, chủ động thiết lập đường dây nóng hoặc tổ công tác để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường ổn định cho hợp tác kinh doanh; chủ động thúc đẩy nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư.
Trong năm 2014, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của các địa phương đã được triển khai tốt với nhiều hình thức đa dạng: xây dựng Cổng thông tin điện tử bằng các thứ tiếng, xuất bản ấn phẩm về du lịch, đầu tư, ra bản tin đối ngoại. Các tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong quản lý phóng viên nước ngoài, không để xảy ra sự cố hoặc vi phạm.
Về công tác bảo hộ công dân, năm 2014, các tỉnh đã phối hợp tốt với Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài trong việc hỗ trợ người lao động ở Libya và Ukraine về nước, đưa tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ trở về an toàn; hỗ trợ pháp lý cho tàu cá địa phương khai thác thủy sản thuộc vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bị tàu nước ngoài cản trở; nghiên cứu các quy định của các nước trong vùng biển tiếp giáp về kiểm tra xử phạt đối với tàu cá nước ngoài… để giúp chủ tàu và ngư dân cảnh giác, tránh đi lại trong vùng biển có tranh chấp, giải quyết kịp thời các vụ việc bảo hộ ngư dân ngay tại cấp tỉnh, giảm thiểu việc giải quyết ở cấp Trung ương.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến này, bên cạnh việc đánh giá những kết quả đã đạt được, các tỉnh thành phố cũng tập trung đánh giá những hạn chế, yếu kém trong công tác đối ngoại của địa phương, cũng như đưa ra một số kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm thực hiện tốt hơn công tác đối ngoại như nâng cao hiệu quả của công tác dự báo; khắc phục những bất cập trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; nâng cao hiệu quả của công tác hợp tác quốc tế cấp địa phương…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn cho rằng, công tác đối ngoại địa phương trong năm qua đã đạt được nhiều thành tích nhờ sự chỉ đạo và quan tâm sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và Ủy ban nhân dân các địa phương trên cơ sở đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn cũng cho biết, trong khuôn khổ của Hội nghị này, nhiều ý kiến, vướng mắc của các địa phương đã được đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao giải đáp, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề như công tác bảo hộ công dân như thế nào; công tác xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch ra sao…cũng chưa được đề cập do khuôn khổ thời gian có hạn.
Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đề nghị sau Hội nghị này, Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) sẽ chủ trì một cuộc họp với các đơn vị hữu quan của Bộ để rà soát lại tất cả các ý kiến, đóng góp của các địa phương cũng như các đơn vị trong Bộ. Trên cơ sở đó sẽ hoàn thành báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về công tác đối ngoại địa phương trong năm vừa qua cũng như đề xuất các vấn đề cần Chính phủ quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác này trong thời gian tới.
Trên cơ sở đánh giá tổng kết công tác năm 2014, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn cũng đề nghị Cục Ngoại vụ cũng như Sở Ngoại vụ các địa phương sớm có chương trình, kế hoạch hành động cho năm 2015 trình các cơ quan chức năng là Bộ Ngoại giao và UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt để sớm triển khai và có sự phối hợp tốt hơn giữa địa phương và các cơ quan Trung ương./.