Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đã qua 22 lần chỉnh sửa
VOV.VN - Bản dự thảo đưa ra lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội từ 20/10 vừa qua là bản thảo thứ 22, sau quá trình tiếp thu, nghiên cứu công phu, khoa học.
Đợt triển khai lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng từ 20/10-10/11/2020 bước đầu đã thu được kết quả tích cực. Được biết, đến ngày 20/11, công tác tổng hợp sẽ được hoàn tất.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, với vai trò là cơ quan trực tiếp biên soạn dự thảo văn kiện, các thành viên của Hội đồng Lý luận Trung ương thường xuyên theo dõi những ý kiến đóng góp để đối chiếu, tiếp thu, làm sao để dự thảo văn kiện được hoàn thiện với chất lượng như mong muốn.
Ý kiến tâm huyết, chắt lọc công phu
PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về quá trình soạn thảo, biên tập, tổng hợp để có được bản dự thảo văn kiện đưa ra lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân thời gian qua?
PGS.TS Phạm Văn Linh: Có thể khẳng định, dự thảo văn kiện Đại hội XIII được hình thành qua một quá trình chuẩn bị công phu với rất nhiều bước, nhiều công việc. Bản dự thảo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, người Việt Nam ở nước ngoài từ 20/10 vừa qua là bản thảo thứ 22.
Bản thảo này là kết quả của rất nhiều cuộc lấy ý kiến của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học. Trong quá trình hoàn thiện, việc đưa ra lấy ý kiến không chỉ mang ý nghĩa phát huy dân chủ trong nhân dân mà mong muốn lớn nhất là phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Mỗi lần lấy ý kiến là một lần các nội dung của văn kiện được nghiên cứu, tiếp cận, được góp ý từ nhiều phương diện khác nhau.
Dự thảo văn kiện gồm Báo cáo chính trị, Báo cáo về kinh tế-xã hội và báo cáo về xây dựng Đảng, trong đó Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm. Các báo cáo phải thống nhất với nhau và theo một quy trình chặt chẽ, từ thiết kế nội dung đảm bảo chặt chẽ, logic; quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng các văn kiện quán triệt được tính kế thừa, đổi mới; những nội dung, vấn đề đã rõ, đã được kiểm nghiệm chắc chắn mới đưa vào. Cùng với đó, dự thảo văn kiện còn phải tiếp thu được tinh hoa, giá trị của nhân loại.
Quá trình đó, ngay từ khâu đề cương đã phải thảo luận rất nhiều, đơn cử như chủ đề, phương châm đại hội làm sao phải bao hàm được những vấn đề lớn của đất nước, có tính hiệu triệu, phản ánh được mục tiêu cần đạt được, có sự chọn lọc, kế thừa qua các kỳ đại hội. Hay như đánh giá những mặt được trong 5 năm vừa qua, bối cảnh đất nước sau 35 năm đổi mới, rút ra kết luận, đánh giá phải sát, phải đúng và có điểm nhấn thể hiện được những đặc thù của nhiệm kỳ vừa rồi. Bên cạnh những bài học, cũng phải đưa ra được những quan điểm, các mục tiêu… Tất cả đều phải được thảo luận kỹ lưỡng.
Có thể khẳng định, để đưa ra được dự thảo văn kiện lấy ý kiến nhân dân thời gian qua là một quá trình làm việc cực kỳ công phu với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, với nhiều hội thảo, tọa đàm để có được nội dung tối ưu.
PV: Ông đánh giá ra sao về chất lượng đợt lấy ý kiến của toàn xã hội vừa qua đối với các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng?
PGS.TS Phạm Văn Linh: Dự thảo văn kiện lần này được đưa ra vào thời điểm có nhiều dấu ấn quan trọng, vì vậy sự quan tâm, chờ đợi của nhân dân là rất lớn. Dự thảo văn kiện không chỉ nhìn lại phía sau, cả chặng đường dài đất nước đã đi qua 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020; mà còn nhìn về phía trước, với mốc 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước, đều là những thời điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tuy các dự thảo văn kiện Đại hội XIII là từ giai đoạn 2021-2025 nhưng lại nằm trong bối cảnh chung như vậy nên nhân dân kỳ vọng vào các văn kiện của Đảng sẽ mang tới một tầm nhìn, một đường hướng quan trọng đối với đất nước. Để có được một văn kiện đáp ứng nhu cầu đó, trong suốt thời gian từ khi dự thảo văn kiện được công bố, có thể nói rất nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến khác nhau cho dự thảo văn kiện.
Những cuộc mà chúng tôi dự, thấy rằng được tổ chức rất công phu, có những nơi, những lĩnh vực, ban tổ chức đã nghiên cứu trước các nội dung liên quan đến mảng của mình được đề cập trong dự thảo để gợi ý cho các thành viên góp ý.
Những ý kiến đóng góp đó đã cho thấy sự tâm huyết, họ không chỉ theo dõi rất sát lĩnh vực của mình mà còn theo dõi rất kỹ cơ đồ đất nước. Sự tâm huyết còn thể hiện ở nội dung các góp ý, ở thông tin, lập luận, hay các căn cứ khoa học; các ý kiến góp ý còn có cả kinh nghiệm lịch sử, có thông tin kiến thức mới đã được nghiền ngẫm rất kỹ lưỡng.
Mặt khác, các ý kiến góp ý thể hiện sự thẳng thắn trong đánh giá. Một đất nước, dân tộc với gần 100 triệu dân, trí tuệ, đóng góp, kinh nghiệm là rất phong phú. Từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, có thể có những ý kiến riêng, đấy cũng là điều cần thiết để nghiên cứu, chắt lọc và tổng hợp lại trên nền cơ bản để tiếp thu được hiệu quả.
Không cần tách riêng yếu tố “dân quyết”
PV: Nhiều ý kiến đánh giá cao việc dự thảo văn kiện lần này thể hiện đậm nét tính dân chủ, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố “dân giám sát và dân thụ hưởng” bên cạnh chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Có ý kiến còn đề nghị bổ sung thêm yếu tố “dân quyết”?
PGS.TS Phạm Văn Linh: Dự thảo văn kiện lần này có nhiều điểm nhấn mới, trong đó có vấn đề về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, nhấn mạnh đến các yếu tố “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Bản thân các yếu tố đó đã cho thấy phương châm đề cao quyền của người dân trong sự vận hành của nhà nước, xã hội.
Có thể thấy người dân tham gia từ khâu đầu tiên “dân biết, dân bàn”, người dân đã trực tiếp thể hiện vai trò làm chủ trong quá trình đó; rồi từ những hiểu biết, người dân triển khai, thực hiện bằng hành động thực tiễn và trực tiếp kiểm tra, giám sát việc thực hiện; những thành quả đó người dân trực tiếp là người thụ hưởng.
Tất cả những yếu tố đó đã bao hàm vai trò của người dân với tư cách là người quyết định tương lai, sự phát triển của đất nước. Người dân đã can dự từ đầu các sự kiện, các việc lớn của đất nước; thảo luận các vấn đề lớn đó để chuyển hóa thành nguồn lực, thành ý chí, thành lực lượng thực hiện. Rồi dân cũng là người tổ chức cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để đưa vào cuộc sống. Chính họ lại kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ quan có trách nhiệm, nòng cốt, cuối cùng họ cũng là người thụ hưởng những thành quả của đất nước độc lập, hòa bình, phát triển. Như vậy theo tôi không cần tách riêng để thêm vào yếu tố “dân quyết”.
PV: Xin cảm ơn ông./.