"Đường về" của những hồ sơ cán bộ đi B
VOV.VN - Hồ sơ đi B là toàn bộ giấy tờ của các cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan đảng, Nhà nước, các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác và một số là của cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác, an dưỡng, chữa bệnh, sau đó trở về miền Nam giai đoạn 1965 - 1975.
"Cán bộ đi B" là khái niệm được dùng để nói về những cán bộ từ miền Bắc với tinh thần tự nguyện vượt Trường Sơn vào miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975, trong đó có không ít cán bộ, học sinh, sinh viên là người Quảng Ninh.
Đất nước thống nhất, người còn người mất... và sau gần nửa thế kỷ, những bộ hồ sơ, kỷ vật gửi lại trước lúc lên đường của họ bắt đầu được trao trả.
"Tôi chưa đi hết mọi nẻo đường đất nước
Nhưng Việt Nam đã in mãi trong tôi
Triệu trái tim bao xao xuyến bồi hồi
Khi thống nhất hai miền đã vỡ òa cảm xúc..."
Bài thơ "Cờ và Hoa" được bà Đoàn Thị Xưởng (hiện đang sinh sống tại xã Hải Đông, thành phố Móng Cái) viết vào thời khắc non sông thu về một mối, ngày 30/4/1975.
Tốt nghiệp trường Y khi vừa tròn 20 tuổi, bà Xưởng viết đơn tình nguyện “đi bất cứ nơi nào của Tổ quốc". Tháng 8/1968, bà được phân công tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Sau 7 năm công tác ở nhiều đơn vị tại Tây Ninh, Phước Long và cả nước bạn Campuchia... bà trở về địa phương sinh sống và tiếp tục sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bất ngờ được nhận lại hồ sơ đi B cùng những kỷ vật từ gần 50 năm trước, bà Xưởng nghẹn ngào: "Tôi nhìn mẹ hiền vui trong khóe mắt. Ngập bờ mi nước mắt mỉm cười". Tôi chỉ dành được cho mẹ 2 câu thơ này khi đất nước bắt đầu giải phóng. Từ năm 20 tuổi đến giờ tôi mới nhận lại được hồ sơ. Từng dòng chữ tôi viết, y như ngày xưa. Thích lắm, mừng lắm".
Nhận được hồ sơ đi B của em ruột Nguyễn Mạnh Dũng, ông Nguyễn Mạnh Hùng (74 tuổi, trú tại phường Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả) cũng không cầm được nước mắt. Hai anh em cùng đi B những năm 1972, 1973 nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng may mắn trở về còn em trai ông mất năm 1978, được công nhận là tử sỹ. Cầm bộ hồ sơ của em trai, ký ức về những năm tháng thanh xuân ùa về khiến ông Hùng - người lính già can trường không khỏi xúc động.
Ông kể, em trai ông ở với bố mẹ và các cụ đều đã mất. Thông tin về địa chỉ cũ nên không gặp được người thân, ông nghĩ không thể cầm được hồ sơ này. Nhờ đồng đội cùng đi B với em trai nên hôm nay ông Hùng đã được cầm hồ sơ trên tay, ông sững sờ và cảm động...
"Hồ sơ cán bộ đi B" là toàn bộ giấy tờ của các cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan đảng, Nhà nước, các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác và một số là của cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác, an dưỡng, chữa bệnh, sau đó trở về miền Nam giai đoạn 1965 - 1975.
Thời điểm đó, tất cả giấy tờ tùy thân như phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn hay huân chương, huy chương, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay... của cán bộ đi B đều được gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ.
Sau khi đất nước thống nhất, các kỷ vật này được Trung tâm lưu trữ quốc gia III quản lý và chuyển về cho các địa phương theo từng đợt và các địa phương sẽ phối hợp rà soát, tìm kiếm chủ nhân của các hồ sơ này.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết, đây là công việc không dễ dàng. Theo ông, thị xã Quảng Yên xác định được 12 trường hợp, trong đó 6 trường hợp có địa chỉ cụ thể tại thị xã, còn lại có địa chỉ ở một số huyện thị của Quảng Ninh và ngoài địa bàn Quảng Ninh. 20 trường hợp không xác minh được thông tin. Lý do là những người sau khi đi B không còn sinh sống ở địa bàn Quảng Ninh mà sống ở các địa phương khác. Hoặc nhiều trường hợp không còn người thân ở trên địa bàn hoặc người thân không xác định được cụ thể. Cũng là những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Hiện 149 bộ hồ sơ được được Trung tâm lưu trữ quốc gia III chuyển về Quảng Ninh, có 90 bộ hồ sơ đã xác minh được thông tin của cán bộ và thân nhân của cán bộ đi B, trong đó, 40 cán bộ đi B đã mất. Phần còn lại do có sự thay đổi nhiều về địa giới hành chính, đơn vị công tác... khiến cho việc xác minh thông tin cần rất nhiều thời gian.
Gần 5 thập kỷ, người may mắn nhận lại hồ sơ đi B thì mái tóc đã bạc, đôi chân đi lại đã khó khăn. Bà Bùi Thị Bính, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh chia sẻ, niềm vui của các cán bộ đi B khi nhận được hồ sơ đã thôi thúc những người làm công tác lưu trữ tỉnh Quảng Ninh quyết tâm tìm kiếm chủ nhân của những hồ sơ còn lại.
"Chúng tôi hy vọng rằng sẽ tiếp tục đón nhận, kết nối từ chính đội ngũ cán bộ đi B còn cư trú trên địa bàn và từ thân nhân của các bác, đặc biệt là hệ thống thông tin của Hội Cựu chiến binh, từ các cơ quan, chức năng và đoàn thể. Tin chắc rằng trong tương lai không xa, tất cả hồ sơ đi B của những người con đất mỏ Quảng Ninh đã tiếp nhận sẽ được trao trả đúng địa chỉ", bà Bùi Thị Bính cho biết.
Trao trả hồ sơ đi B là việc làm vô cùng ý nghĩa với cán bộ và thân nhân những người đi B. Đây vừa là nguồn sử liệu quý giá minh chứng cho giai đoạn cách mạng hào hùng của đất nước, vừa làm dày thêm truyền thống cách mạng của người dân Vùng Mỏ.
Những bộ hồ sơ đi B cùng những kỷ vật chưa xác minh được thông tin sẽ tiếp tục được lưu giữ và tham gia các triển lãm như một minh chứng hào hùng về một thế hệ sẵn sàng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cống hiến sức mình vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.