Gần 2 triệu ý kiến về việc thu hồi, bồi thường đất đai

(VOV) - Gần 2 triệu ý kiến liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi đóng góp vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Sau 2 tháng triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), đông đảo cử tri và nhân dân cả nước đã tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và trí tuệ. Trong gần 7 triệu lượt ý kiến góp ý vào Dự luật này, có tới gần 2 triệu ý kiến liên quan đến vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đây chính là nội dung có số lượng ý kiến tham gia đóng góp nhiều nhất, cho thấy mức độ quan tâm của người dân đối với vấn đề này.

Trong phiên thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi) tại phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Qua những lần đi tiếp xúc cử tri, ông thấy cử tri và nhân dân rất quan tâm đến vấn đề giá đất khi bồi thường. Theo ông, đây là vấn đề lớn, phức tạp, cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh các khiếu kiện hiện nay, vì phần lớn người dân cho rằng, giá bồi thường đất không thỏa đáng.

Khoản 1 điều 72 của dự thảo quy định về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất sẽ được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất của loại đất bị thu hồi tại thời điểm có quyết định thu hồi. Tuy nhiên, quy định này không có gì mới so với luật hiện hành, do đó khó có thể giải quyết được những vướng mắc trong thực tế.

Ông Nguyễn Văn Hiện phân tích: “Trong tình hình hiện nay, bồi thường đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng còn khá cao; còn đất nông nghiệp ở trung du, miền núi thì rẻ. Nếu bồi thường giá như thế thì người dân không cần; mà người ta cần chỗ ở, chỗ làm ăn, đảm bảo đời sống, sinh nhai chứ không đơn thuần là giá trị mấy chục nghìn một mét vuông. Cho nên phải sửa đổi như thế nào đó để ngoài giá đất tính theo loại đất và giá đất ở thời điểm quyết định thu hồi, phải tính đến lợi ích phát sinh, hay đảm bảo cho người dân”.

Tại các cuộc hội nghị do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức thì vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng được nhiều đại biểu tham gia góp ý kiến. Ông Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, mặc dù đã có quy định về phát triển quỹ đất và trách nhiệm của tổ chức về hỗ trợ, tái định cư đối với những trường hợp bị thu hồi đất, nhưng hiện vẫn còn “kẽ hở”, đó là không quy định cụ thể các tiêu chí để bồi thường và không quy định rõ chế tài xử lý đối với người có trách nhiệm, khi không thực hiện việc giải thích rõ phương án bồi thường hoặc không xem xét điều chỉnh phương án bồi thường… Do quy định không rõ ràng, nên người dân băn khoăn vì quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất chưa được làm rõ.

Ông Nguyễn Quang Thái cũng cho rằng, bên cạnh nhu cầu quốc phòng, an ninh, và lợi ích quốc gia, công cộng thì không nên thu hồi đất vì nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Chủ đầu tư vì mục đích lợi nhuận là trên hết sẽ dẫn đến việc bồi thường không thỏa đáng cho người bị thu hồi đất.

Theo báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật đất đai (sửa đổi), có hơn 130.000 lượt ý kiến của người dân đề nghị áp dụng cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất thay cho cơ chế thu hồi đất. Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đồng tình với đề nghị này, đồng thời cho rằng cần đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, nhất là trong khâu định giá đất khi Nhà nước trưng mua, trưng dụng đất. 

Theo ông Thảo, nên thu hẹp phạm vi thu hồi đất và quy định phương thức đền bù khác nhau với những trường hợp thu hồi đất vì mục đích khác nhau. Đối với trường hợp thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh thì cũng phải có cơ chế bồi thường, còn đối với mục đích kinh tế, xã hội thì phải thực hiện trưng mua hoặc theo giá thị trường.

Hàng triệu ý kiến tâm huyết và trí tuệ của người dân góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý một cách nghiêm túc. Những góp ý về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cùng với những ý kiến đóng góp về các chương, điều khác trong dự thảo Luật sẽ tiếp tục được các cơ quan liên quan hoàn thiện trước khi trình ra Quốc hội trong kì họp tới.

Cử tri và nhân dân cả nước mong muốn dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này sẽ góp phần giải quyết được những vướng mắc đang nảy sinh trong thực tiễn./.        

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hơn 6 triệu lượt ý kiến sửa đổi Luật Đất đai
Hơn 6 triệu lượt ý kiến sửa đổi Luật Đất đai

(VOV) - Nhiều ý kiến đóng góp về việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất…

Hơn 6 triệu lượt ý kiến sửa đổi Luật Đất đai

Hơn 6 triệu lượt ý kiến sửa đổi Luật Đất đai

(VOV) - Nhiều ý kiến đóng góp về việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất…

Sửa đổi Luật Đất đai: Thu hồi đất, đền bù theo giá nào?
Sửa đổi Luật Đất đai: Thu hồi đất, đền bù theo giá nào?

(VOV) - Theo nhiều chuyên gia, cần phải làm rõ về giá thị trường cũng như có tổ chức độc lập về định giá đất...

Sửa đổi Luật Đất đai: Thu hồi đất, đền bù theo giá nào?

Sửa đổi Luật Đất đai: Thu hồi đất, đền bù theo giá nào?

(VOV) - Theo nhiều chuyên gia, cần phải làm rõ về giá thị trường cũng như có tổ chức độc lập về định giá đất...

UBTV Quốc hội thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi)
UBTV Quốc hội thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi)

(VOV) -Cần giải quyết mâu thuẫn giữa quyền của Nhà nước và quyền của người sử dụng đất

UBTV Quốc hội thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi)

UBTV Quốc hội thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi)

(VOV) -Cần giải quyết mâu thuẫn giữa quyền của Nhà nước và quyền của người sử dụng đất