Gặp lại người biến “Việt cộng” thành “Việt kiều” cách đây 50 năm
VOV.VN - Hơn 50 năm trôi qua, câu chuyện làm giấy tờ giả cho các cán bộ, chiến sỹ cách mạng để ra vào nội đô Sài Gòn, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, góp phần giành độc lập, vẫn còn nguyên giá trị. Người làm việc đó là ông Lâm Quốc Dũng - biệt danh “Dũng râu”, người hô biến Việt cộng thành Việt kiều.
Chớp lấy thời cơ
“Người hô biến Việt cộng thành Việt kiều” - Lâm Quốc Dũng nhớ lại, khoảng tháng 1/1970, cũng tầm đón Tết Nguyên đán thế này, ông bắt đầu làm giấy tờ giả cho các “Việt cộng” là cán bộ, chiến sỹ Biệt động Sài Gòn thành các “Việt kiều” từ Campuchia hồi hương về Việt Nam.
Theo ông “Dũng râu”, thời điểm đó bên Campuchia có đảo chính, hàng trăm ngàn Việt kiều ở Campuchia phải về Việt Nam sinh sống. Cũng trong lúc đó thì chế độ Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn cho đổi từ căn cước cũ sang loại “căn cước rồng xanh” rất khó làm giả.
Bà con Việt kiều hồi hương, ngoài giấy tờ tùy thân do chính quyền Campuchia cấp thì được chính quyền Sài Gòn cấp thêm cho giấy “Việt kiều hồi hương” để dễ bề kiểm soát.
Như nắng hạn gặp mưa rào, ông “Dũng râu” chớp ngay thời cơ, làm giả các loại giấy tờ của bà con Việt kiều cho các chiến sỹ cách mạng để đường hoàng ra vô nội thành.
"Các loại giấy này mình làm giả Việt kiều hồi hương. Điều này có lợi là giấy tờ của bà con vừa bằng chữ Campuchia vừa bằng Việt, cảnh sát cũng không biết chữ đó, nên giả và dùng giấy này để đi lại thì rất dễ, khó kiểm soát. Cho nên bộ đội, chiến sĩ Biệt động của ta hoạt động ở Sài Gòn cũng nhờ giấy này, tui làm giả để đưa về đó. Cho nên, mình kiểu như đổi quốc tịch cho Việt cộng thành Việt kiều", ông kể.
Với ông Dũng, lúc bấy giờ, làm giả căn cước thì khó, chứ làm các giấy tờ chứng nhận hồi hương này không có gì là quá khó hay quá rắc rối.
Cái hay ở đây là tổ chức đã nắm bắt thời cơ, diễn biến thực tế của tình hình lưu thông, trà trộn ở các đô thị miền Nam lúc đó để kịp thời cho phép làm giả các giấy tờ biến “Việt cộng” thành Việt kiều Campuchia.
"Do tính chất hoạt động nên bộ đội hoặc cán bộ, chiến sỹ muốn vào Sài Gòn thì phải có giấy tờ. Mà giấy tờ đó làm sao mình có được, nên bắt buộc phải làm giả thôi. Tôi được giao nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu và làm tất cả các loại giấy tờ có thể làm giả được để cho cán bộ, chiến sỹ vô hoạt động trong nội thành" - ông Lâm Quốc Dũng cho biết.
Những người từng được ông Lâm Quốc Dũng làm các loại giấy tờ giả như: căn cước, giấy hoãn dịch, giấy xuất ngũ, thẻ công vụ...phần lớn là lực lượng Biệt động Sài Gòn, hoạt động ở nhiều bộ phận, nhiều mắt xích của các đường dây liên lạc, chiến đấu.
Bà Nguyễn Thị Phương, nguyên Thư ký Tư lệnh Trần Hải Phụng, Quân khu Sài Gòn- Gia Định, là một trong những người được ông "Dũng râu" làm giấy tờ giả để ra vô nội thành, kết nối thông tin liên lạc, vận chuyển những tài liệu tuyệt mật.
Bà Phương cho biết, để đi đến chiến thắng của từng trận đánh và của cả cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thì ở phía sau đó có rất nhiều người ở nhiều bộ phận tham gia thầm lặng, ví dụ như ông “Dũng râu”.
"Có những chiến công đánh vào quân thù được thì ở đằng sau đó có rất nhiều lực lượng được chỉ đạo bởi Bộ Tư lệnh Thành, rất sát sao, rất trí tuệ. Tôi là một trong những người được anh Dũng làm cho giấy giả để đi vào thành phố, đưa thư từ cho các nơi” - bà Phương chia sẻ.
Cho ngày chiến thắng
Ông Lâm Quốc Dũng nhớ lại, ông đến với việc làm giấy tờ giả là ngẫu nhiên, như một cách “nghề” chọn người.
Ông nhập ngũ năm 1964, được đưa về Bộ phận in ấn- Phòng Tuyên truyền của Quân khu Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định. Năm 1965 ông được đơn vị đưa đi học một lớp về khắc mộc, khắc dấu…và chuyển về bộ phận Quân báo với nhiệm vụ tuyệt mật- “làm giấy tờ giả”.
Theo ông, trong các bước làm một loại giấy tờ giả, khó nhất là giả chữ ký. Cho nên thời đó, mỗi khi chính quyền cũ thay đổi người ký như thay Quận trưởng chẳng hạn, thì ông phải biết sự thay đổi đó, phải tìm ngay chữ ký của người mới để tập ký.
Ông đã luyện điều đó hàng ngày, từ cầm bút cao- thấp, ngắn- dài, ký trên giấy to, giấy nhỏ...rất phức tạp. Nhưng ông phải làm cho bằng được vì việc ký, việc làm giả như thật liên quan đến tính mạng của đồng đội.
"Ký tên giả là khâu khó nhất, nó đánh giá trình độ, năng lực của người làm giấy tờ giả. Đâu phải ký một lần là được đâu, mà ký hao giấy lắm, nhiều khi mình tập ký bên ngoài một tập giấy rồi mới ký vô, có khi 10 tờ mới được 1 tờ. Chữ ký quan trọng lắm, nét chỉ hơi run, thiếu nét là địch nghi, mà nghi là nó bắt đồng đội anh em mình ở tù" - "Quận trưởng Dũng râu" tiết lộ.
Ông “Quận trưởng Dũng râu” không nhớ nổi mình đã làm, đã ký bao nhiêu loại giấy tờ, cho bao nhiêu người. Chỉ biết rằng, khi cách mạng cần, khi tổ chức cần, khi được giao nhiệm vụ, là ông miệt mài nghiên cứu, tìm tòi và làm cho bằng được.
Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động quân khu Sài Gòn- Gia Định cho biết: "Để đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng, cần rất nhiều sự phục vụ của các lực lượng. Trong đó đặc biệt có lực lượng Quân báo, bao gồm bộ phận làm giấy tờ giả. Hàng loạt những giấy tờ giả ra đời phục vụ cho anh chị em chiến đấu, xâm nhập nội thành, đi về trót lọt. Trong đó có công lao rất lớn của ông Lâm Quốc Dũng mà chúng tôi vẫn gọi là “ông Quận trưởng”, người chuyên cấp giấy tờ giả cho lực lượng Biệt động Sài Gòn và các đồng chí làm công tác trong nội đô".
Từ tháng 1/1975, ngày chiến thắng đã gần kề, số giấy tờ giả phải làm cũng giảm đi, ông "Dũng râu" được giao thêm một số nhiệm vụ khác.
Là chiến sỹ quân báo đô thị nên ông Lâm Quốc Dũng thông thuộc đường sá Sài Gòn, ông và đồng đội được giao dẫn đường cho bộ đội vào thành phố. Và đến ngày chiến thắng 30/4, ông được nhập vào Trung đoàn Gia Định, theo cánh quân Tây Bắc tiến vào Sài Gòn từ phía Bảy Hiền. Ông cùng hòa trong trong không khí nô nức, tự hào, nghẹn ngào của hàng triệu đồng bào thành phố.
Giờ đây, trong những dịp gặp gỡ, họp mặt của lực lượng Biệt động thành năm xưa, ai nấy đều ở tuổi xưa nay hiếm, nhiều người nói với ông Dũng là vẫn còn những giấy tờ do ông làm cho nhưng xin được giữ lại làm kỷ niệm về một thời chiến đấu mưu trí, dũng cảm.