Giám sát, phản biện: Mặt trận cần thể hiện quan điểm “theo đến cùng“
VOV.VN -Năm 2016, công tác giám sát và phản biện cần tập trung vào các vấn đề dân bức xúc, đặc biệt Mặt trận cần thể hiện quan điểm "theo đến cùng".
Năm 2015 là năm MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai mạnh mẽ nhất các hoạt động giám sát, trọng tâm là việc triển khai 8 chương trình phối hợp giám sát.
Trong đó, chương trình Tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã hoàn thành và đạt kết quả theo tiến độ đề ra, được dư luận và nhân dân đánh giá cao, qua rà soát đã góp phần đánh giá đầy đủ, toàn diện chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng; đồng thời khắc phục những hạn chế, kịp thời bổ sung, sửa đổi chính sách để giải quyết khó khăn của một bộ phận người có công. Theo số liệu báo cáo của các bộ và địa phương: tổng số đối tượng được rà soát là 2.070.812 người, trong đó số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.892.769 người, chiếm tỷ lệ 95,75%; số đối tượng hưởng chưa đầy đủ là 86.201 người, chiếm 4,16%; số đối tượng hưởng sai là 1.872 người, chiếm 0,09%.
7 chương trình giám sát còn lại đang được triển khai đã tạo tiền đề và những bài học kinh nghiệm để triển khai cho những năm tiếp theo. Hiện tại Ủy ban Trung ương Mặt trận đang tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm các chương trình giám sát, nhất là về cơ chế phối hợp, mô hình… để hướng dẫn, chuyển giao phục vụ công tác giám sát ở các địa phương.
Giám sát không phải là “đối đầu”
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân nhưng giám sát trên tinh thần Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Vì vậy, các chương trình giám sát của Mặt trận không phải là giám sát đối đầu mà giám sát để đồng hành vì sự phát triển của đất nước.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhận định, năm 2015 hoạt động của Mặt trận đã đ ạt được nhiều kết quả toàn diện. Mặt trận đã chọn lọc đi thẳng vào những vấn đề mà người dân bức xúc. Chẳng hạn, trong lĩnh vực kinh tế, Mặt trận đã trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc của đất nước và bước đầu đã đề xuất được những giải pháp cụ thể như tháo gỡ khó khăn cho doanh trong thủ tục thuế, hải quan, xây dựng HTX kiểu mới, an toàn thực phẩm…
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng nhận định, trong năm 2015, công tác Mặt trận đã có những hoạt động ý nghĩa như việc tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo đóng góp ý kiến cho các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Trong đó nhiều ý kiến quý báu từ Mặt trận đã được tiếp thu để góp phần hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XII. Kết quả giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam với nhiều chuyên đề đã đạt được những kết quả bước đầu. Đặc biệt, Mặt trận đã tham gia giải quyết những vấn đề mà nhân dân quan tâm và địa phương còn gặp lúng túng. Đó là việc khảo sát tìm hiểu xây dựng mô hình HTX kiểu mới, tổ chức Hội nghị huy động 40 tổ chức tôn giáo tham gia vào việc bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu…
Ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng nhấn mạnh, Mặt trận ngày càng làm được nhiều việc, có vị trí quan trọng hơn, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Những chương trình giám sát vừa qua của Mặt trận đã chỉ ra những yếu kém, những gì chưa đúng để đề xuất với Đảng, Nhà nước có điều chỉnh về mặt chính sách, đồng thời những nơi làm đúng cũng có tác dụng động viên.
Mặt trận cần thể hiện quan điểm "theo đến cùng"
Năm 2006, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, trong việc tham gia giám sát và phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam cần quan tâm đến những vấn đề bức xúc, người dân quan tâm như khiếu nại tố cáo, hàng giả hàng kém chất lượng, vấn đề BHXH, BHYT để tập trung giám sát ra vấn đề và có sản phẩm sau giám sát.
Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Theo ông Cao Sĩ Kiêm, trong năm 2016, Mặt trận cần làm tốt hơn nữa việc phản ánh tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận cần thể hiện quan điểm "theo đến cùng". Đối với các phong trào đã và đang làm, cần có sự tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những hạn chế và phát huy những mặt làm được.
Ông Võ Văn Dũng cũng cho rằng, Ban Nội chính hoàn toàn ủng hộ, đồng thời đề xuất phối hợp để tiếp tục giám sát về thủ tục thuế và hải quan. Hiện mới chỉ giám sát trong chương trình cải cách thủ tục hành chính. Năm 2016 cần mở rộng hơn, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện chính sách pháp luật về thuế, hải quan vì đây là vấn đề rất quan trọng, nếu làm tốt sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước.
Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong năm 2016, công tác giám sát của Mặt trận tập trung vào việc tiếp tục thực hiện các chương trình giám sát đã ký kết, tiến hành sơ kết, tổng kết để đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động giám sát trong thời gian qua; xây dựng tài liệu hướng dẫn về công tác giám sát của Mặt trận. Cùng với 8 chương trình phối hợp giám sát đã ký kết trong năm 2015, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan ký kết và triển khai chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.
Năm 2015, Mặt trận sẽ chú trọng nhiệm vụ giám sát và phản biện
Đối với hoạt động phản biện xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam trong năm 2016, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả các phương thức tập hợp ý kiến nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó sớm ban hành Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật MTTQ Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động phản biện xã hội đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, về nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, cần lấy những bài học rút ra từ giám sát năm 2015.
“Có 3 đồng thuận. Một là Mặt trận thấy cần thiết phải làm. Hai là ít nhất một tổ chức đoàn thể nhân dân ở lĩnh vực liên quan cũng muốn thực hiện giám sát. Ba là cơ quan quản lý Nhà nước đồng ý phối hợp triển khai. Việc giám sát phải đảm bảo vừa sức, không giao chỉ tiêu cho địa phương nhưng phải đảm bảo mỗi tỉnh huyện phải đảm bảo giám sát một vấn đề”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói./.