Kê khai tài sản: Ai giám sát sự trung thực của cán bộ?
VOV.VN - Để việc kê khai tài sản thực sự góp phần cho cuộc chiến chống tham nhũng thì toàn dân phải cùng vào cuộc, giám sát sự trung thực của cán bộ, công chức kê khai.
Năm 1998, quy định về công khai tài sản, thu nhập được đề cập trong Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng. Đến năm 2005, văn bản này đã được nâng lên thành luật và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2007, 2012 và sau đó là một loạt các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện đã được ban hành.
Gần đây nhất, đầu năm 2014, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 33 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Một hệ thống văn bản pháp luật có thể nói khá đầy đủ, tuy nhiên, thực tế việc kê khai tài sản vẫn bộc lộ khá nhiều hạn chế, bất cập. Hầu như các cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý được vụ tham nhũng nào từ những số liệu trong các bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Đâu là nguyên nhân và làm thế nào để việc kê khai, kiểm soát kê khai tài sản có hiệu quả, phóng viên VOV phỏng vấn ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện khoa học thanh tra (Thanh tra chính phủ).
Ông Đinh Văn Minh (trái) trả lời phỏng vấn tại phòng thu của VOV |
Ông Đinh Văn Minh: Việc kê khai tài sản là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả. Vấn đề này chúng ta đã thực hiện từ năm 1998 với Pháp lệnh phòng chống tham nhũng và khi nâng lên thành luật, sau vài lần sửa đổi thì biện pháp này ngày càng được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.
Trên thực tế các quy định về kê khai tài sản, thu nhập ngày càng được thực hiện một cách nghiêm túc, nề nếp. Tuy nhiên, tác dụng thực tế trong việc góp phần phòng chống tham nhũng hiện nay chưa được như mong đợi.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang được các cơ quan có thẩm quyền giao tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện Luật phòng chống tham nhũng, trong đó có vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập của công chức.
Cho nên chúng ta xác định đây là một định hướng đúng, tuy nhiên trong quá trình làm sao một biện pháp có hiệu quả thì cũng cần phải có thời gian.
PV: Theo ông, những điều chưa được là gì?
Ông Đinh Văn Minh: Điều hưa được hiện nay cũng cần phải nhìn nhận ở nhiều khía cạnh, song điều người ta thấy rõ nhất là tác dụng của nó trong việc góp phần phòng ngừa tham nhũng. Chẳng hạn như một trong những vấn đề quan trọng nhất của việc kê khai tài sản là làm sao để các cơ quan nhà nước biết được một cách chính xác tài sản, cũng như sự biến động về tài sản của cán bộ công chức.
Tuy nhiên, với các quy định, thiết chế hiện nay cho thấy tính trung thực của việc kê khai tài sản chưa được bảo đảm. Hoặc chúng ta chưa có cơ chế để buộc cán bộ công chức đó phải trung thực, hoặc chúng ta phải xử lý một cách rốt ráo các hiện tượng không trung thực. Trên thực tế đã xảy ra nhiều hiện tượng mà xã hội cũng như người dân cảm thấy không yên tâm.
Có lẽ những giải pháp của chúng ta vì có nhiều lý do về mặt kinh tế-xã hội cũng như về mặt nhận thức cho nên việc kê khai tài sản còn mang tính hình thức.
PV: Thanh tra Chính phủ vừa công bố, tính đến 31/5/2015 có gần 1 triệu người kê khai tài sản (đạt 99,6%). Tuy nhiên, trong tổng số 1.225 người thuộc diện phải xác minh chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực. Ông nghĩ sao về tính trung thực, chính xác của những con số kê khai tài sản của những người thuộc diện kê khai đã được công bố?
Ông Đinh Văn Minh: Trung thực về kê khai tài sản là vấn đề rất quan trọng. Con số vừa nêu ra khiến nhiều người cảm thấy rất lạc quan, một là tỷ lệ thực hiện việc kê khai rất nghiêm túc (99,6%). Tuy nhiên, con số mà người ta băn khoăn nhiều là trong 1 triệu người kê khai như vậy thì chỉ kết luận được 4 người không trung thực. Vậy con số này có đáng tin hay không? Quả thật, người ta có quyền nghi ngờ về điều này.
Tuy nhiên, chúng ta thấy một điều, việc trung thực hay không trung thực cần phải tiếp tục được làm thêm, quan trọng là đằng sau con số này là việc gì. Bởi vì trung thực ở đây là so với yêu cầu, mà yêu cầu về kê khai tài sản của cán bộ, công chức hiện nay không quá khó.
Chưa kết luận việc này là trung thực hay không trung thực nhưng cách người ta thực hiện rất đúng, nghiêm túc trong khi xã hội lại thấy băn khoăn về điều này.
PV: Thời gian qua, có một số lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỉ đồng/năm, nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản điều đó lại không thể hiện ra. Nhiều những trường hợp cán bộ có khối tài sản rất lớn nhưng chỉ đến khi họ về nghỉ hưu hoặc dính dáng đến pháp luật thì khối tài sản đấy mới được công khai. Chính thực tế này khiến dư luận hoài nghi nhiều hơn về kết quả của việc kế khai. Ông nghĩ gì về điều này?
Ông Đinh Văn Minh: Ở đây có 2 câu chuyện khác nhau, một là việc hưởng lương một cách quá đáng thì rõ ràng là không đúng. Quy định hưởng lương của nhà nước trong thời điểm đó cao nhất là 45 triệu đồng đối với lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng trên thực tế 6 doanh nghiệp công ích ở TP HCM đã hưởng lương 200 triệu đồng/tháng, có người nhận tới 2,6 tỷ/năm. Như vậy một số người này đã vi phạm và chúng ta đã có những biện pháp. Điều này cũng đã được lưu ý trong Luật sửa đổi năm 2012 là thu nhập của những lãnh đạo doanh nghiệp phải được công khai.
Thứ hai là vấn đề tài sản: Người cán bộ đó có kê khai hay không chúng ta chưa khẳng định được, nhưng sau đó thấy tài sản của họ có rất nhiều. Điều đó cho thấy, việc người đó có chấp hành việc kê khai tài sản hay không và có kê tiền bạc, tài sản vào đó hay không. Từ đó, chúng ta kết luận điều gì thì đó là bước tiếp theo.
Song, như chúng ta thấy, lương là một chuyện, và thu nhập lại là chuyện khác.
Như lương Bộ trưởng bây giờ là 14,4 triệu đồng/tháng và lương chúng tôi thì không được nhiều như vậy. Tuy nhiên, mức sống hiện nay như thế nào, và chúng ta còn có những khoản thu nhập khác? Điều đó có nghĩa là lương hiện nay chỉ là một chuyện, từ đó liên quan đến tài sản cũng như vậy.
Ảnh minh họa: Internet |
PV: Theo ông, nguyên nhân nào khiến việc kê khai và kiểm soát tài sản cán bộ còn nhiều hạn chế và kém hiệu quả như vậy? Chúng ta cần khắc phục như thế nào?
Ông Đinh Văn Minh: Từ việc kê khai tài sản vừa qua, chúng ta thấy có mấy vấn đề cần lưu ý.
Thứ nhất là cần phải xem lại đối tượng kê khai tài sản. Hàng triệu người? Có cần đến mức như vậy không? Đối tượng rộng như vậy thì năng lực tiến hành xác minh cũng khó đáp ứng được.
Thứ hai là xác minh tính minh bạch của việc kê khai tài sản của cán bộ công chức phải nằm trong tổng thể của nền quản trị xã hội, bởi vì có nhiều người nói đến câu chuyện phân tán tài sản... thì với luật lệ, cơ chế hiện nay sẽ rất khó. Vì người dân không có trách nhiệm chứng minh tài sản của họ là hợp pháp. Người dân được hiểu ở đây là vợ, con, bạn bè... nên người ta có thể tuồn tài sản cho họ.
Vì vậy, chúng ta chỉ “túm” được cán bộ, công chức đó thôi. Hay nói một cách ví von, chúng ta chỉ bịt được một bên của chiếc bình thông nhau.
Do đó, chúng ta phải quản trị được nền kinh tế thông qua giao dịch ngân hàng, vấn đề sử dụng tiền mặt, chính sách thuế...
Như ở các nước, không phải chỉ mình cán bộ công chức mà người dân cũng chịu sự kiểm soát và nhà nước kiểm soát được thì đó mới là điều quan trọng.
Một điểm nữa, một số ý kiến nói về cơ quan độc lập, điều này rất đúng. Hiện nay, quy trình tiếp nhận, quản lý, tiến hành thẩm tra xác minh vô cùng phức tạp. Vì vậy, nên tổ chức một “vùng chuyên”, tất cả việc kê khai được cho vào đó để khi nào thấy được điều gì bất hợp lý thì người ta sẽ có chương trình xác minh.
Cần có những giải pháp một cách đồng bộ, chứ không như hiện nay rõ ràng quy định của chúng ta có vấn đề.
PV: Nghĩa là nên có cơ quan độc lập chuyên trách?
Ông Đinh Văn Minh: Điều này chúng tôi đã tính đến khi làm Luật năm 2005. Lúc đó chúng tôi nghĩ có thể là cơ quan Thanh tra, hoặc là bên ngành Nội vụ. Nhưng quan trọng là phải có một đầu mối thì quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin cũng như tiến hành xác minh mới chủ động được.
Hoặc cơ quan đó có thể đưa ra một chỉ tiêu, với số liệu như vậy thì năm nay, 10% trong các bản kê khai tài sản chúng ta tiến hành xác minh (theo xác xuất) thì sẽ hiệu quả hơn. Chứ không như hiện nay nguồn lực thì có nhiều nhưng hiệu quả chưa cao.
PV: Có ý kiến cho rằng tới đây để việc kê khai tài sản có hiệu quả thì cần thiết phải có Luật riêng về đến đề này? Ông nghĩ sao?
Ông Đinh Văn Minh: Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng có rất nhiều. Chế định về minh bạch tài sản cũng là vấn đề hết sức quan trọng, tuy nhiên, tôi không nghĩ cần có đạo luật riêng.
Liên quan đến vấn đề này, tôi nghĩ cần có một đạo luật khác quan trọng hơn. Nếu nói về vấn đề tham nhũng thì người ta nói rất nhiều đến vấn đề thu hồi tài sản, như Singapore có hẳn một đạo luật về vấn đề này.
Còn về minh bạch tài sản, có lẽ nên có những quy định riêng, nhưng kèm theo đó là một loạt các vấn đề về kiểm soát tài sản chung của xã hội. Trên cơ sở đó, một loạt vấn đề cũng như văn bản quản lý khác cũng phải hỗ trợ việc này.
PV: Xin cảm ơn ông./.