Giám sát và phản biện xã hội là lý do tồn tại và phát triển
VOV.VN - Giám sát và phản biện là thực thi quyền dân chủ, là chức năng quan trọng, hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội…”
Đây không chỉ là vai trò lịch sử của Mặt trận mà còn là thể hiện tư tưởng “toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân”. Một tư tưởng được thể hiện ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rõ thêm: “Nhân dân không bao giờ trao quyền của mình, quyền lực chính trị của mình cho bất kỳ ai. Nhân dân không trao cho Nhà nước quyền sở hữu của chủ quyền mà chỉ trao cho Nhà nước quyền sử dụng để thực hành chủ quyền của mình và chỉ trao quyền sử dụng ấy một cách rất hạn chế về thời gian và về cái diện bao quát nội dung của chủ quyền. Đồng thời nhân dân luôn luôn kiểm tra, giám sát Nhà nước trong việc sử dụng quyền được trao ấy, nếu thấy cần thiết thì nhân dân thu lại, không trao quyền sử dụng ấy nữa”.
Giám sát cơ quan nhà nước, giám sát cán bộ, công chức Nhà nước là quyền của dân - chủ nhân đất nước. Vậy cho nên, chức năng quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc là giám sát và phản biện. Với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ thì cái quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm ấy phải được thi hành triệt để từ Trung ương đến từng cơ sở, từng người dân.
trao đổi với các đại biểu tại lễ sơ kết chương trình phối hợp tuyên truyền công tác Mặt trận.
Một thời gian quá dài, cán bộ Mặt trận được bố trí là những người sắp về hưu. Gần đây nhất, trưởng ban Mặt trận ở nhiều xã phường là cán bộ nghỉ hưu, không thể hoạt động độc lập, như một cơ quan của chính quyền, thậm chí được gọi là “đầu sai” của cấp ủy.
Nếu như số đông trong hơn 11.000 tổ công tác Mặt trận xã phường hiện nay trong cả nước vẫn hoạt động như vậy thì làm sao để thực hiện quyền tối cao của Mặt trận là giám sát và phản biện?
Mấy năm qua, thực hiện quy chế giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư đã bước đầu tạo nên không khí mới, sức sống mới của Mặt trận cơ sở. Gần đây trẻ hóa đội ngũ cán bộ mặt trân phường, xã đã tăng thêm khí thế. Cán bộ trẻ, được đào tạo chính quy, nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn, ở phường, xã lại là con cháu trong nhà nên khó phát huy vai trò giám sát và phản biện.
Giám sát và phản biện hiệu quả phải trên cơ sở công khai, minh bạch, dân chủ. Trước hết phải dân chủ từ trong Đảng, dân chủ hóa công tác cán bộ để thẳng thắn xóa đi những “vùng cấm” được ngụy trang là “nhạy cảm”, những “siêu đảng viên” mà trước đây, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã chỉ ra. Phải thượng tôn pháp luật, tất cả bình đẳng trước pháp luật.
Các cấp ủy Đảng, nhất là chi bộ cơ sở phải coi giám sát, phản biện là suy nghĩ, là tư tưởng thường trực trong mọi hoạt động, trong mọi công việc. Mọi chính sách, chủ trương, quy định ban hành xuống cơ sở, đi vào cuộc sống phải được đánh giá, phân tích lợi, hại, được, mất, có khả thi, có hiệu quả hay không. Giám sát phản biện là tìm ra hai mặt của một vấn đề để phát triển, để hoàn thiện cái mới.
Muốn giám sát, phản biện hiệu quả thì Mặt trận, nhất là cơ sở phải đổi mới phương thức hoạt động mà hàng đầu là nâng cao năng lực mọi mặt của cán bộ mặt trận, nhất là năng lực pháp lý. Phải nghe dân nói và biết nói cho dân nghe. Mặt trận phải là địa chỉ tập trung, tin cậy mọi suy tư, tình cảm và kiến nghị của nhân dân.
Muốn thực thi giám sát và phản biện thì mỗi một người dân phải mở rộng hiểu biết, nâng cao kiến thức cuộc sống, phải hiểu biết đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, những quy định cụ thể của chính quyền địa phương.
Nhưng, trước hết và từ trong sâu thẳm phải từ bỏ thái độ bàng quan, hay mũ ni che tai, thậm chí cầu an, bất lực. Người dân có quyền phát biểu chính kiến và phải tự giác thực hiện quyền tự do dân chủ đầu tiên ấy. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân; tin dân, tôn trọng những người có ý kiến khác.”
Giám sát và phản biện là thực thi quyền dân chủ được ghi trong điều 9 của Hiến pháp, là chức năng quan trọng, hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đó là trách nhiệm của Mặt trận với Dân với Đảng và cũng là lý do tồn tại và phát triển của Mặt trận./.