Giám sát, phản biện: Trách nhiệm và nghĩa vụ của Mặt trận
VOV.VN -Mặt trận Tổ quốc các cấp phải mạnh, phải huy động được nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đưa vào văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 25-27/9 tới đây là thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Thực hiện nhiệm vụ này là cách để cụ thể hóa hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng và dân mà Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định. Giám sát là để quyền làm chủ của dân được tôn trọng, để thông qua tranh luận, phản biện chỉ rõ mặt trái, làm sáng tỏ mặt phải, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội. Đó chính là vinh dự, là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc.
Với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, việc giám sát, góp ý xây dựng với Đảng, Chính quyền của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã được tiến hành từ lâu. Nhưng đây là lần đầu tiên, công tác này được luật hóa bằng Hiến pháp. Đó là sự kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân “… Nhân dân không trao cho Nhà nước quyền sở hữu của chủ quyền mà chỉ trao cho Nhà nước quyền sử dụng để thực hành chủ quyền của mình… Đồng thời, nhân dân luôn luôn kiểm tra, giám sát Nhà nước trong việc sử dụng phần quyền được trao ấy, nếu thấy cần thiết thì nhân dân thu lại, không trao quyền sử dụng ấy nữa”.
Nói vậy để thấy rằng, trách nhiệm giám sát của dân đối với Đảng và Nhà nước là quyền của dân với tư cách là người chủ đất nước. Hơn 80 năm lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã nhận được những tiếng nói đóng góp tích cực từ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị. Đó là mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng, là mối quan hệ mang tính bản chất của Đảng ta là: Đảng phải chịu sự giám sát của Nhân dân.
Phản biện xã hội là có đồng tình, có phản đối, có chấp nhận và có bổ sung. Mục đích của phản biện xã hội là bằng những căn cứ khoa học và thực tiễn để làm sáng tỏ bản chất của vấn đề, làm rõ mặt trái, làm sáng mặt phải, để cái tích cực được nhân lên, cái khuyết điểm được khắc phục, đảm bảo tính khả thi của chủ trương, chính sách, quyết định khi được ban hành và đi vào cuộc sống. Tất cả các vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, của số đông một tập thể, của các giai tầng xã hội đều phải được đưa ra để phản biện một cách khoa học, khách quan, hợp lý. Vì vậy, để cơ chế phản biện xã hội phát huy hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải mạnh, phải huy động được nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia có kiến thức sâu rộng về các lĩnh của đời sống xã hội, nhiệt huyết với sự nghiệp của Đảng, của dân.
Chỉ có thể phản biện xã hội tốt nếu công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện một cách thực chất và đồng bộ, hiệu quả. Các cấp ủy Đảng và chính quyền cần coi trọng một cách đúng mức vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận, đồng thời có cơ chế để bắt buộc người đứng đầu các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến phản biện của người dân và các đoàn thể. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận không chịu áp lực từ bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào và phải được triển khai đồng bộ từ trung ương tới địa phương.
Vì vậy, giám sát và phản biện xã hội là quyền của dân, là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc với dân, với Đảng. Đảng tạo mọi điều kiện để Mặt trận Tổ quốc hoàn thành nhiệm vụ của mình, đưa công tác giám sát và phản biện xã hội vào cuộc sống, trở thành một nếp sinh hoạt thường xuyên của cuộc sống./.