Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Kiểm soát đất sử dụng đa mục đích
VOV.VN - Nhiều ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) đề nghị có giải pháp quản lý và giải quyết những vướng mắc phát sinh.
Lần đầu tiên, các quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh… được thể chế hóa trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi). Góp ý về nội dung này, các ý kiến đề nghị có giải pháp quản lý và giải quyết những vướng mắc phát sinh.
Chùa Tam Chúc được biết đến là một trong những ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng nhất ở Việt Nam, đây cũng là tâm điểm của Khu Du lịch Tâm linh trọng điểm nối liền 4 tỉnh: Hà Nội – Hà Nam – Hòa Bình – Ninh Bình. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý Nhà nước đã xuất hiện vướng mắc trong phương pháp xác định nghĩa vụ tài chính đối với chủ sử dụng đất, cả trong trường hợp đất sử dụng hỗn hợp và đất sử dụng kết hợp.
“Tam Chúc- đây là chùa nhưng đây cũng là khu du lịch nhưng cũng là nơi kinh doanh. Trong khuôn viên rất là đẹp có sông, cả nước. Vậy thì phân biệt nào là đất cho du lịch? Đất cho kinh doanh và đất Chùa như thế nào để tính thuế là cực kỳ khó khăn” - bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế đặt vấn đề.
Theo Nghị quyết 18, Luật Đất đai sẽ sửa đổi theo hướng xây dựng quy định quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Các chuyên gia cho rằng việc này sẽ làm tăng thêm giá trị sử dụng đất, tránh thất thu thuế.
Ông Phan Văn Lâm, Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển cho rằng: “Về Ban quản lý Nhà nước, càng chi tiết, càng rõ ràng thì càng dễ quản lý. Phát huy được hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư và Nhà nước, tránh tình trạng có rất nhiều mục đích khác nhau nhưng chúng ta thu một mục đích. Trong đấy có thể đất dành cho gửi xe thì đất này là đất kinh doanh chúng ta thu thuế, mà không phải chỉ thu một lần mà thu hằng năm”.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội khẳng định, nếu quy định đất sử dụng đa mục đích có cơ chế pháp lý để điều tiết nguồn thu một cách rất cụ thể rõ ràng và tránh việc đánh đồng. Ví dụ, mục đích chính cho nông nghiệp nhưng thực ra lợi nhuận lại được tạo ra từ đất ở trên. Dù chiếm diện tích nhỏ nhưng lợi nhuận làm ra thì lại rất lớn, có thể giải quyết được những tồn tại lịch sử, tận dụng nguồn thu.
Đây là lần đầu tiên, quy định về đất sử dụng đa mục đích được đưa vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tuy nhiên, cần làm rõ nguyên tắc để xác định đất sử dụng đa mục đích. Ngoài ra, cũng cần quy định cụ thể đối với các loại đất có thể kết hợp mục đích sử dụng; thời hạn sử dụng đất đa mục đích trong trường hợp các loại đất trên cùng một thửa đất có thời hạn sử dụng khác nhau… nhằm phát huy tối đa mục đích sử dụng đất./.