GS Việt tại Hàn: “Không chỉ về nước làm việc mới gọi là cống hiến”
VOV.VN - GS Trần Hải Linh: Tôi cho rằng không nhất thiết phải về quê hương làm việc mới là cống hiến, mà quan trọng phải chọn con đường có khả năng cao nhất giúp phát huy được tối đa năng lực của mình.
Nhân dịp Tết đến Xuân về, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đã tổ chức nhiều hoạt động để bào con người Việt ở đây có được không khí ấm áp của Tết quê hương, đồng thời để gắn kết cộng đồng. Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, các tổ chức Hội đoàn địa phương, thành viên và các chi hội cơ sở trực thuộc đã tiến hành tổ chức các chương trình Tết cộng đồng tại các khu vực và thành phố lớn như Gyeonggi-Seoul, Busan, Changwon, Gimhae… với nhiều nội dung và hình thức đa dạng. Các chương trình Tết cộng đồng được tiến hành liên tục từ đầu tháng 01/2016 cho đến những ngày sát Tết âm lịch.
Giáo sư Trần Hải Linh |
PV: Cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc tuy là một cộng đồng trẻ so với nhiều cộng đồng khác, nhưng trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều đóng góp cho quê hương. Xin ông cho biết cụ thể những đóng góp này trong thời gian vừa qua?
Ông Trần Hải Linh: Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, các tổ chức Hội đoàn thành viên, các chi hội cơ sở trực thuộc trong thời gian qua đã triển khai nhiều công tác hướng vào tăng cường sự đoàn kết và hỗ trợ cộng đồng.
Ở Hàn Quốc thì đã mở các lớp học tiếng Hàn cơ bản và nâng cao cho các cô dâu Việt, các lớp tiếng Việt cho con em gia đình Hàn-Việt, phát động các đợt quyên góp để giúp đỡ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.
Ngoài ra, Hội cũng có các việc làm có ý nghĩa để hướng về quê hương cội nguồn như quyên góp ủng hộ đồng bào bị khó khăn, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, mang quà Tết đến với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa và đặc biệt năm vừa qua Hội đã chủ trì ra mắt Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam và đã có các hoạt động thiết thực hướng về chủ quyền biển đảo tổ quốc.
Không chỉ về nước làm việc mới gọi là cống hiến
PV: Huy động chất xám của bà con kiều bào từ lâu đã được Đảng và Nhà nước quan tâm và đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút trí thức kiều bào. Là một trí thức Việt đang sinh sống tại nước ngoài, ông đánh giá như thế nào về việc thu hút trí thức, đồng thời cần có những giải pháp như thế nào để việc này có hiệu quả tốt hơn?
Ông Trần Hải Linh: Trong thời gian vừa qua việc huy động chất xám của bà con kiều bào từ lâu đã được Đảng và Nhà nước quan tâm và đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút trí thức kiều bào, tuy nhiên vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định. Tôi có một số ý kiến cá nhân về việc thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài như sau:
Thứ nhất, giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Tạo các cơ hội để cho họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình. Phong hàm Giáo sư và phó Giáo sư cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài về công tác tại trường đại học Việt Nam mà trí thức đó sẽ giảng dạy và nghiên cứu, theo mô hình giống như các nước phát triển đã và đang làm. Giáo sư và phó Giáo sư dựa trên những công bố trên tập san khoa học quốc tế, bằng phát minh sáng chế (patent), hoặc các thành tích nghiên cứu khoa học khác đã đạt được.
Thứ hai, tài trợ cho những người có chuyên môn phù hợp với những việc mà xã hội và đất nước đang cần đến. Việc tài trợ cho đội ngũ này cần ở mức đủ để họ tập trung được vào nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ (thí dụ như họ được làm việc với điều kiện nghiên cứu tốt, có phụ cấp vài lần hơn mức lương cơ bản hiện nay). Ngược lại, họ phải đáp ứng được yêu cầu công việc là phải hợp tác được với nhau thành những nhóm nghiên cứu mạnh, nhận những nhiệm vụ cụ thể và chịu những trách nhiệm cam kết với nhà nước.
PV: Hiện nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc về nước cống hiến hay ở lại nước ngoài. Ông quan niệm như thế nào về vấn đề này?
Ông Trần Hải Linh: Ở lại hay trở về quê hương sau khi tốt nghiệp luôn là câu hỏi không dễ đối với trí thức Việt Nam ở nước ngoài.
Tôi cho rằng không nhất thiết phải về quê hương làm việc mới được gọi là cống hiến, mà quan trọng phải chọn con đường có khả năng cao nhất giúp phát huy được tối đa năng lực của mình để có thể dựa vào năng lực đó để cống hiến. Khi đã phát huy được tối đa khả năng thì lúc đó dù có ở đâu đi nữa thì vẫn có thể cống hiến được cho đất nước, cho xã hội.
PV: Tỷ lệ trí thức trong cộng đồng người Việt ở Hàn tương đối lớn. Với vai trò Chủ tịch Hội người Việt tại Hàn, ông đã làm gì để phát huy thế mạnh này cũng như việc khuyến khích động viên những trí thức đóng góp cho Tổ quốc?
Ông Trần Hải Linh: Kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài có gần 4,5 triệu người, trong đó có gần 400.000 người là chuyên gia, trí thức được học tập và đào tạo bài bản. Đội ngũ trí thức Việt Nam tại Hàn Quốc có khoảng 6.000 người.
Việt Nam sẽ thành công nếu biết khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực của đội ngũ các nhà khoa học và trí thức Việt Nam ở nước ngoài, cũng như tìm ra những cách thức phù hợp để kết hợp nguồn lực ngoài nước với các nguồn lực trong nước. Đoàn kết tạo ra sức mạnh là bài học đã được chứng minh qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Nếu mỗi người dân Việt Nam đều cùng cố gắng, đoàn kết, từ đó tập hợp các nguồn lực trong và ngoài nước thành một sức mạnh tổng thể, đi theo đó là chính sách và hỗ trợ của chính phủ và đồng thuận phối hợp của các cơ quan chức năng, tôi tin rằng đất nước Việt Nam sẽ phát triển vươn xa hơn rất nhiều so với thời điểm hiện nay.
Ở Hàn Quốc, chúng tôi cũng thành lập Ban liên lạc chuyên gia trí thức Việt Nam tại Hàn Quốc, và trong thời gian cũng cùng các cơ quan chức năng tổ chức các buổi hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm cũng như tăng cường việc trao đổi và gắn kết đội ngũ trí thức nơi đây. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều hoạt động hơn nữa để tăng cường việc kết nối trí thức Việt Nam nơi đây.
PV: Xin cảm ơn ông./.