Hoãn hội họp để chống dịch Covid-19 nhưng không để công việc đình trệ
VOV.VN - Không phải hoãn cuộc họp thì ai cũng co cụm ở nhà, chây ì, đình trệ, không đến cơ quan, trụ sở làm việc, không tiếp dân là không đúng.
Cụ thể, ngày 11/3, Văn phòng Thành ủy Hà Nội có thông báo về việc dừng, không tổ chức, hoãn các nội dung hoạt động liên quan kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố.
Pano được trang trí chào mừng Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội tại khu vực Hồ Gươm. (ảnh: Kinh tế đô thị) |
Trước đó, ngày 9/3, HĐND tỉnh Nghệ An ra thông báo về việc hoãn kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Dự kiến tại kỳ họp sẽ xem xét, quyết định và thông qua một số nghị quyết liên quan đến chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh; công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Cùng ngày, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra quyết định tạm hoãn các cuộc họp của Bộ và các cuộc hội nghị, hội thảo tập trung đông người ở Bộ; phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã được hoãn lại thay vì dự kiến tổ chức vào 10-13/3.
Trao đổi với phóng viên VOV, đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trước bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, việc tạm hoãn các cuộc họp tập trung đông người, chưa cần thiết là quyết định kịp thời, để tập trung toàn lực cho việc chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân.
“Những cuộc họp quan trọng để giải quyết tình huống bất ngờ, khẩn cấp hay cuộc cuộc cần thiết về an sinh xã hội, về công tác chống dịch thì vẫn phải tiến hành, còn những cuộc không nhất thiết phải họp ngay thì có thể chuyển sang hình thức họp trực tuyến, hoặc lùi vài ngày nữa rồi tổ chức họp cũng chưa muộn. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, để Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tập trung trong việc phân công cán bộ xuống địa phương chỉ đạo ngăn ngừa phòng, chống dịch. Mặc dù nhiệm vụ nào cũng quan trọng, nhưng các đơn vị trên đều đã tính toán, cân nhắc kỹ việc gì quan trọng hơn thì giải quyết trước, việc gì chưa cần kíp thì giải quyết sau” – ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
“Không phải hoãn họp thì ai cũng co cụm ở nhà, chây ì, đình trệ, không đến cơ quan, trụ sở làm việc, không tiếp dân là không đúng” – đại biểu nói và nhấn mạnh, nếu đẩy sự việc lên quá cao gây hoang mang, lo sợ trong dân thì sẽ rất nguy hiểm, không những ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh mà còn làm cho tình hình kinh tế đi xuống.
Hơn lúc nào hết, các ứng dụng của khoa học công nghệ 4.0 cần được áp dụng triệt để nhằm phục vụ các cuộc họp trực tuyến trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”. Bởi việc tập trung đông người luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan, thậm chí khó kiểm soát hết nếu chỉ một trong các khâu lơ là, chủ quan. Hơn nữa, việc tổ chức họp trực tuyến cũng sẽ giảm bớt các chi phí từ đi lại, ăn ở cho các đoàn cán bộ địa phương mà khoản kinh phí đó nên dành cho việc chống dịch cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội thiết thực khác.
“Hiện nay thông tin liên lạc của chúng ta cũng rất thuận lợi, dễ dàng. Cần thiết thì cấp trên gọi điện chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở thì tôi nghĩ cũng hợp lý chứ không nhất thiết phải tập trung họp để nhắc nhở vấn đề này, vấn đề kia”- ông Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. |
Chia sẻ về địa phương, ông Phạm Văn Hòa cho biết, đến nay Đồng Tháp chưa có cuộc họp nào phải hoãn vì tỉnh này rất ít họp, chủ yếu họp trong nội bộ, họp trực tuyến, không phải tập trung cán bộ ở cơ sở, huyện thị lên tỉnh. Lãnh đạo tỉnh tăng cường các chỉ đạo rất quyết liệt, rốt ráo trong phòng chống dịch, ngoài ra, động viên bà con không hoang mang, lo sợ mà sản xuất kinh doanh bình thường, các nhà máy, xí nghiệp vẫn hoạt động chứ không có nơi nào ngừng trệ.
Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, hơn 1 tuần nay, học sinh lớp 9 và học sinh THPT ở Đồng Tháp đã đi học trở lại. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tuần tới sẽ cho học sinh tiếp tục đến trường nếu địa phương này không phát hiện trường hợp nào dương tính virus Sars-CoV-2.
“Mỗi nơi tùy vào tình hình thực tiễn mà có quyết định đúng đắn để làm sao không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, học tập, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị cũng như ngoài Nhà nước, mà lại vừa kiểm soát, chống dịch tốt” - đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp chia sẻ.
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, hiện nay Việt Nam đang phải đương đầu với những khó khăn để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona lây lan trong cộng đồng.
Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Chính phủ liên tục có các cuộc họp để chỉ đạo các biện pháp chống dịch. Tinh thần của người đứng đầu Chính phủ đưa ra là “chống dịch như chống giặc”, phải có biện pháp mạnh tay, không để rơi vào vòng xoáy dịch. Thủ tướng đồng ý việc hạn chế họp hành, tụ tập đông người, không tổ chức các cuộc họp không cần thiết, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong họp, chỉ đạo điều hành, học tập, khai báo điện tử, dạy qua truyền hình…
Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia. Đặc biệt là tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tốt nhất nhằm hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ kép là vừa chống virus corona, vừa chống “virus trì trệ”./.
“Việt Nam đủ nguồn lực và kinh nghiệm để kiểm soát Covid-19“
Nghệ An hoãn họp Hội đồng Nhân dân tỉnh để tập trung chống dịch Covid-19