Học viện Chính trị Quân sự tổ chức hội thảo về Di chúc Bác Hồ
VOV.VN - PGS.TS Nguyễn Văn Bạo nhấn mạnh, Di chúc của Bác Hồ là một văn kiện lịch sử vô giá, có giá trị tư tưởng và ý nghĩa hiện thực sâu sắc.
Nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm công bố Di chúc của Người, sáng 17/5, Học viện Chính trị Quân sự tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị tư tưởng và ý nghĩa hiện thực”.
Văn kiện lịch sử đặc biệt
Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Bạo - Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự nhấn mạnh, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, có giá trị tư tưởng và ý nghĩa hiện thực sâu sắc; là văn kiện lịch sử đặc biệt, gần như một “Cương lĩnh chính trị”.
Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Bạo - Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự phát biểu tại Hội thảo. |
Nội dung cơ bản trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm: nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; lời căn dặn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về đoàn viên thanh niên; với nhân dân lao động; về phong trào cộng sản thế giới; những công việc kiến thiết đất nước sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược; về việc riêng và lời vĩnh biệt của Người.
Tư tưởng chủ đạo và bao trùm trong Di chúc là tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, dân chủ và dân giàu nước mạnh, tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, vì hạnh phúc của nhân dân”.
“Di chúc đã chứa đựng nội dung của một đại tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, về Đảng, về dân, về nước, về quốc tế, về riêng bản thân mình; đồng thời, là một thiết kế lý luận về đổi mới và phát triển, định hướng cho bước đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong tương lai” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Bạo cho biết.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự, 50 năm triển khai thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Hiện nay, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những thành tựu có ý nghĩa chiến lược trong hơn 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển tất yếu của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới... Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện những lời căn dặn tâm huyết, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc có giá trị và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Xây dựng văn hóa Đảng trong bản Di chúc
Phân tích, làm rõ giá trị xây dựng văn hóa Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung tá, PGS.TS Nguyễn Đình Bắc (Khoa Triết học Mác – Lênin- Học viện Chính trị Quân sự) cho biết, xây dựng văn hóa Đảng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nghiên cứu từ rất sớm và được thể hiện xuyên suốt, nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình. Trong đó, bản Di chúc là sự kết tinh, hội tụ cô đọng và hàm xúc nhất.
Đặc biệt là vấn đề xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, văn hóa tự phê bình và phê bình, thực hành đạo đức cách mạng, văn hóa trọng dân, gần dân và sự nêu gương của người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân...
Trung tá, PGS.TS Nguyễn Đình Bắc (Khoa Triết học Mác – Lênin- Học viện Chính trị Quân sự). |
Quán triệt và thực hiện hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa Đảng, trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng văn hóa Đảng và đã giành được những thành tựu to lớn và nổi bật.
Tuy nhiên, trước những diến biễn nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, cùng với yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước. Tình hình đó, đòi hỏi phải không ngừng nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
“Toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn quán triệt, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó, cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn, thực hiện triệt để hơn những giá trị khoa học và cách mạng của Người về xây dựng văn hóa Đảng trong bản Di chúc lịch sử”- PGS.TS Nguyễn Đình Bắc cho biết.
Tại Hội thảo khoa học, nhiều nhà khoa học, các đại biểu nghiên cứu đã tập trung luận giải, làm rõ bối cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc bất hủ; phân tích những giá trị tư tưởng, giá trị lý luận và thực tiễn của văn kiện quý giá vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay.
Các đại biểu cũng đã phân tích, luận giải tư tưởng, đạo đức, phong cách của một con người vĩ đại được thể hiện trong Di chúc bất hủ.
Một số tham luận hội thảo đã làm rõ việc triển khai thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Người qua đời, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới và tương lai phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam; khẳng định đẩy mạnh đấu tranh, phê phán các quan điểm tư tưởng sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận giá trị tư tưởng và ý nghĩa hiện thực trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng./.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác