Hội đồng Nhân dân: Quân vay, tướng mượn, tiền đi xin
VOV.VN - Để HĐND thực quyền hơn, phải giải quyết hai vướng mắc là mối quan hệ giữa người dân với đại diện của mình là HĐND; mối quan hệ giữa HĐND và UBND.
“Quân vay, tướng mượn, tiền đi xin” là cách nói ví von nhưng thực chất là phản ánh sự thiếu thực quyền trong hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND). Để khắc phục bất cập này, kết luận của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khẳng định: Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND phải gắn với đổi mới tổ chức và hoạt động của UBND, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ và đại biểu HĐND, tạo mọi điều kiện để HĐND hoạt động có thực quyền, nhất là trong việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, giám sát có hiệu quả hoạt động của UBND, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đại biểu HĐND TP. HCM biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp (Ảnh minh họa) |
Quảng Trị là một trong những địa phương thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Qua 5 năm thí điểm cho thấy, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn thực sự cần vai trò giám sát của HĐND cùng cấp.
Ông Nguyễn Đức Phong, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 1, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Chính quyền ở cơ sở trực tiếp với dân, trực tiếp với các tổ chức nên có rất nhiều việc. Khi chính quyền phường làm nhiều việc như thế mà không có sự giám sát chặt chẽ kịp thời thì cũng rất khó. Ở bất cứ một cơ quan nào, một khi đã nắm quyền lực trong tay mà không có giám sát quyền lực cụ thể thì chắc chắn vấn đề lạm quyền, làm sai lệch vượt ra khỏi khung giới hạn quyền lực của mình có thể xảy ra”.
Vì thế, kết luận tại Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11: Tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND chính là sự khẳng định bắt nguồn từ những vấn đề của lý luận, nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước và từ yêu cầu của cuộc sống, xuất phát từ mong mỏi của lòng dân.
Hội đồng nhân dân: Quyền lực lớn nhưng làm gì cũng vướng
Câu hỏi tiếp tục giờ đây cần được sáng tỏ là làm thế nào để cụ thể hóa những yêu cầu trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 “đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND phải gắn với đổi mới tổ chức và hoạt động của UBND, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ và đại biểu HĐND, tạo mọi điều kiện để HĐND hoạt động có thực quyền”.
Cái vướng và rào cản lớn nhất khiến HĐND chưa phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình chính là do bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật. Cội nguồn là sự nhận thức chưa đúng, chưa đủ, chưa chín về HĐND, cơ quan đại diện quyền làm chủ của người dân ở địa phương, cơ quan kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương.
Để khắc phục khó khăn đó, có nơi, HĐND đã biết vận dụng khéo léo, đổi mới, cải tiến hoạt động để phát huy chức năng, nhiệm vụ, từ đó nâng cao trách nhiệm với cử tri.
HĐND tỉnh Đồng nai là một ví dụ điển hình. Cũng là giới hạn định biên đại biểu, nhưng Đồng Nai rất coi trọng việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ đại biểu, bố trí đại biểu chuyên trách. Để đo được hiệu quả, cách tốt nhất là quy định rõ trách nhiệm của từng đại biểu. Với đại biểu kiêm nhiệm, 1 tháng ít nhất phải dành 4 ngày cho công tác Hội đồng. Việc chấm điểm trách nhiệm đại biểu và công khai số điểm được duy trì thường xuyên.
Từ thực tiễn địa phương, Phạm Ngọc Tuấn, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai cho rằng, để hoạt động của HĐND mạnh, phải có những thay đổi cơ bản về cơ sở pháp lý, đặc biệt cơ cấu đại biểu.
Theo ông Tuấn, bằng cơ sở pháp lý, tạo hành lang pháp lý để hoạt động và khống chế tỷ lệ đại biểu trong các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh một tỉ lệ vừa phải đảm bảo hoạt động, vừa phải cơ cấu đại biểu ở các ngành nhưng đồng thời đảm bảo nâng cao chất lượng. Song điều quan trọng nhất là hiệu quả hoạt động của HĐND..
Làm thế nào để HĐND không hoạt động hình thức? Ý kiến các chuyên gia khẳng định: trước mắt phải giải quyết vấn đề đại biểu, số lượng, cơ cấu, chất lượng sao cho phù hợp, từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho đến cấp xã. Đại biểu dân cử phải có đủ tầm, đủ tâm, đủ tài để làm tròn vai của mình. Muốn vậy cơ chế bầu cử cần có những đổi mới, chế độ chính sách, cơ chế trách nhiệm, chịu trách nhiệm của đại biểu Hội đồng cần được minh định rõ ràng.
Phó Giáo sư Nguyễn Thu Linh, nguyên giảng viên cao cấp, Học việc Hành chính Quốc gia cho rằng, đã đến lúc người dân phải học hỏi để phát triển tư duy phản biện, phải học hỏi tư duy hướng đến câu hỏi giải quyết vấn đề trên cơ sở hiểu rõ ý thức, trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội của mình chứ không phải chỉ kêu than, thụ động…
Vì sao Hội đồng nhân dân hoạt động kém hiệu quả, nặng về hình thức?
Nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi chất lượng hoạt động, để HĐND thực quyền hơn, phải giải quyết cho được hai vướng mắc đó là mối quan hệ giữa người dân với đại diện của mình là HĐND và mối quan hệ giữa HĐND và UBND.
Chúng ta đang xây dựng một xã hội dân chủ, pháp quyền, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, không lẽ gì, sự tồn tại của một thiết chế đại diện dân chủ lại không được xây dựng để phát huy tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, để mạnh hơn, thực quyền hơn.
Trong yêu cầu đó, nhận thức đúng bản chất của thiết chế HĐND là điều quan trọng. Từ đó mới có được những quyết định đúng để thay đổi cấu trúc và cơ chế vận hành của HĐND nói riêng, chính quyền địa phương nói chung và thể chế hóa một cách có chất lượng trong các dự thảo luật. Đổi mới đòi hỏi là một quá trình nhưng trước hết cần một cam kết mạnh mẽ./.