Quốc hội thảo luận việc bỏ hay giữ Hội đồng Nhân dân
VOV.VN - Phiên thảo luận được tường thuật trực tiếp trên sóng Hệ Thời sự Chính
trị tổng hợp - VOV1 và kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam từ 14h.
trị tổng hợp - VOV1 và kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam từ 14h.
Tiếp theo chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, chiều nay (1/6), Quốc hội dành cả buổi thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương. Dự luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến từ kỳ họp thứ 8.
Sau khi Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, các đại biểu sẽ phát biểu thảo luận.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII |
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vì theo quy định của Hiến pháp, đây cũng là một loại đơn vị hành chính của nước CHXHCN Việt Nam. Ngoài ra, dự thảo đã bổ sung và làm rõ hơn quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo.
Không tổ chức HĐND phường?
Một trong những nội dung rất quan trọng của dự luật là việc xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, mô hình Tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị, nông thôn đang được thiết kế 2 phương án để các đại biểu Quốc hội thảo luận.
Phương án 1 quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.
Phương án 2 không tổ chức cấp chính quyền địa phương ở phường (tức không có HĐND) mà chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.
Nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động
Luật quy định HĐND tập trung quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương như quyết định ngân sách, nhân sự, quy hoạch, kế hoạch, biện pháp phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội và tập trung vào việc giám sát hoạt động của UBND.
Tăng hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh và cấp huyện so với thực tế hiện nay. Theo đó, quy định tăng đại biểu chuyên trách của HĐND tỉnh ít nhất là 20% trên tổng số đại biểu và ít nhất là 15% trên tổng số đại biểu HĐND cấp huyện; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND.
Khẳng định vị trí, vai trò của Thường trực HĐND với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn trong thời gian giữa các kỳ họp của HĐND theo quy định của pháp luật...
Dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý các quy định về tổ chức và hoạt động của UBND nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan này theo hướng: Xác định cụ thể nhiệm vụ của UBND và Chủ tịch UBND ở các đơn vị hành chính để từ đó xác định rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể.
Quy định phân cấp, phân quyền
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định một cách chung nhất phạm vi những vấn đề, những loại việc mà chính quyền địa phương có thể đảm nhiệm được tương ứng với khả năng đáp ứng của bộ máy chính quyền, tính chất của dân cư, địa bàn quản lý.
Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực cụ thể cũng như cách thức thực hiện cần được xác định trong các đạo luật chuyên ngành.
Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ các nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương cũng như trách nhiệm cụ thể của các cấp chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân cấp, ủy quyền nhằm làm cơ sở để các luật chuyên ngành có thể cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính.../.