Hưng Yên phấn đấu thành tỉnh công nghiệp hiện đại trong nhiệm kỳ mới
VOV.VN - Để làm được điều này, Hưng Yên ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, giá trị gia tăng cao...
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, trong 5 năm qua, mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên luôn đạt ở mức cao, là một trong 16 tỉnh thành tự cân đối thu chi, tổng sản phẩm bình quân đầu người đứng thứ 13 so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 (24-26/10) sẽ là một dấu mốc mới để xây dựng Hưng Yên phấn đấu thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên về nội dung này.
PV: Thưa ông, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh thứ 19 nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đưa Hưng Yên trở thành tỉnh mạnh của toàn quốc, có công nghiệp phát triển, thu nhập bình quân đầu người trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước. Ông có thể làm rõ hơn định hướng tỉnh tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch của Hưng Yên?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Tỉnh Hưng Yên có ở vị trí địa lý thuận lợi ở Trung tâm Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội. Xác định được lợi thế so sánh này, Hưng Yên vẫn đã và đang là địa bàn hấp dẫn để các nhà đầu tư tìm đến. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch được 13 khu công nghiệp tập trung với quy mô hơn 3.000 ha và 35 cụm công nghiệp. Đáng chú ý, đã hình thành được Khu công nghiệp và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt với diện tích quy hoạch khoảng 3.000 ha.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hưng Yên thu hút 816 dự án đầu tư, đưa tổng số dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 1.985 dự án. Trong đó: 1.487 dự án trong nước, vốn đăng ký trên 140,7 nghìn tỷ đồng; 498 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 5 tỷ USD với tổng số vốn đăng ký tương đương trên 11 tỷ USD.
Một trong bốn quan điểm phát triển của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025 được Đảng bộ tỉnh khẳng định là: “Giữ vững định hướng phát triển trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch; hướng tới đô thị thông minh; thương mại điện tử phát triển; tăng nhanh tỷ trọng kinh tế số trong GRDP; kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ với tầm nhìn dài hạn; nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao; ô nhiễm môi trường KCN, Cụm công nghiệp, làng nghề, trong nông thôn và lưu vực sông được kiểm soát….”
PV: Để phấn đấu trở thành tỉnh mạnh của toàn quốc, thì giải pháp đột phá về thu hút đầu tư sẽ có điểm mới gì so với nhiệm kỳ trước, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Trong thu hút đầu tư phát triển, tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mang tính đột phá, với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội có tính cạnh tranh cao để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia. Chuyển trọng tâm thu hút đầu tư từ số lượng sang chất lượng, thân thiện môi trường và hiệu quả sử dụng đất đai. Ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu...; đồng thời, khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước...
Để làm được điều này, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN, CCN (cụm công nghiệp) tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, xác định rõ những khu vực, địa bàn ưu tiên phát triển hạ tầng KCN, CCN.
Song hành cùng thu hút đầu tư phát triển, tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường, với các chỉ tiêu cụ thể: 100% KCN, CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% chất thải nguy hại được xử lý an toàn theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, chậm tiến độ, sử dụng đất không hiệu quả, không tuân thủ quy định của pháp luật và cam kết đầu tư.
PV: Nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững, nông dân khá giả, nông thôn văn minh góp phần thay đổi diện mạo của bộ mặt nông thôn Hưng Yên. Vậy, định hướng thời gian tới tỉnh Hưng Yên thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, là động lực quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Hưng Yên là 1 trong 8 tỉnh của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến nay, 100% các địa phương cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao trong trồng cây có múi, cây vải, nhãn, hoa, cây cảnh, cây dược liệu... nhiều nơi có số thu đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha canh tác. Bên cạnh đó, Hưng Yên còn gần 5.000 ha đất vùng bãi ven sông Hồng và sông Luộc (hiện chưa được khai thác hiệu quả), nên đây được coi là nguồn lực, là dư địa lớn cho tỉnh đi vào phát triển kinh tế vùng bãi, gắn với du lịch sinh thái trong thời gian tới.
Theo đó, Hưng Yên tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững, nông dân khá giả, nông thôn văn minh, với nhiệm vụ: Đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hóa quy mô lớn, sản xuất sạch, an toàn, chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông tin, công nghệ số gắn với phát triển thương mại điện tử. Bảo đảm diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch; tiếp tục chuyển đổi phù hợp theo kế hoạch khoảng 4.000-5.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản, gắn với sản xuất theo chuẩn VietGap. Phát triển những vùng chuyên canh, thâm canh sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Tăng cường thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng và phát triển nông nghiệp hiện đại - nông dân khá giả - nông thôn văn minh. Huy động nguồn lực xã hội, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của người dân. Quan tâm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác và chương trình OCOP của tỉnh.
PV: Xin cảm ơn ông./.