Kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 23 và các Cấp cao liên quan
VOV.VN - Vấn đề Biển Đông đã được thảo luận, nhiều văn kiện quan trọng đã được thông qua.
Trong hai ngày, 9-10/10/2013, tại Brunei, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23, các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với các Đối tác: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa kỳ, Ấn Độ và Liên hợp Quốc, Cấp cao ASEAN+3 (gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), và Cấp cao Đông Á lần thứ 8. Thành công của loạt Hội nghị Cấp cao lần này đã khép lại Năm Chủ tịch ASEAN của Brunei năm 2013.
Chiều nay, 10/10, diễn ra Lễ chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN từ Brunei sang Myanmar. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Myanmar Thein Sein khẳng định, Myanmar sẽ dành quan tâm cao nhất và nỗ lực hết sức mình để bảo đảm hoàn thành trọng trách Chủ tịch, tích cực tham vấn, phối hợp chặt chẽ với các nước để đẩy mạnh hơn nữa các mục tiêu ưu tiên của ASEAN, quan hệ của ASEAN với các đối tác, tăng cường đoàn kết và vai trò chủ đạo của ASEAN ở khu vực. Các nước nhất trí với chủ đề của ASEAN do Myanmar đề xuất “Đoàn kết tiến tới Cộng đồng hòa bình và thịnh vượng”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có các phát biểu quan trọng tại các Hội nghị này; đồng thời, Thủ tướng cũng đã tiếp xúc với Lãnh đạo, Trưởng đoàn nhiều nước (Tổng thống Myanmar, Philipines, Thủ tướng Australia, Malaysia, Ngoại trưởng Hoa Kỳ…).
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-23 và các Cấp cao liên quan, các nhà Lãnh đạo đã tập trung trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, ủng hộ việc xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015; đẩy mạnh liên kết và kết nối khu vực; làm sâu sắc hơn quan hệ của ASEAN với các Đối tác; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và tăng cường đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
ASEAN và các nước Đối tác cũng đã bàn và đề xuất nhiều biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực; tiếp tục dành ưu tiên cho các trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý thiên tai, giao lưu văn hóa và giáo dục....; tăng cường phối hợp nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh năng lượng và lương thực, phòng chống dịch bệnh, biến đổi khí hậu…
Tại các Hội nghị Cấp cao lần này, Lãnh đạo các nước cũng trao đổi và thảo luận về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và cần sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Kết thúc các Hội nghị trên, Lãnh đạo các nước ASEAN và Đối tác đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng như: Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, Tuyên bố ASEAN về Doanh nghiệp trẻ và Việc làm cho Thanh niên, Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội,Tuyên bố ASEAN về Xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, Tuyên bố ASEAN về Tăng cường hợp tác quản lý thiên tai, Tuyên bố ASEAN về phòng chống các bệnh không lây nhiễm, Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc và Tuyên bố Cấp cao Đông Á về An ninh lương thực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại các Hội nghị Cấp cao nói trên. Trong các phát biểu, Thủ tướng đã phân tích và nhận định sâu sắc về các ưu tiên của ASEAN, quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, cũng như nêu bật những nhiệm vụ và trọng trách của ASEAN về đoàn kết xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò chủ đạo ở khu vực.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo dựng một cấu trúc khu vực ở Đông Á vì hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng; nhấn mạnh việc bảo đảm môi trường hòa bình ổn định và an ninh ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982; thực hiện đầy đủ DOC và sớm tiến tới Bộ Quy tắc COC./.