Khai mạc Hội nghị tương lai Châu Á lần thứ 22 tại Nhật Bản
VOV.VN - Sáng nay (30/5), Hội nghị tương lai Châu Á lần thứ 22 đã khai mạc tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị và có bài phát biểu quan trọng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị |
Hội nghị lần này có chủ đề “Vươn lên ứng phó với các thách thức toàn cầu và hiện thực hoá tiềm năng Châu Á”. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các chủ đề như triển vọng kinh tế toàn cầu, quy hoạch cơ sở hạ tầng ở Châu Á, an ninh khu vực…
Tham dự hội nghị có lãnh đạo cấp cao nhiều nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan… Hội nghị cũng thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia nổi tiếng, các nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn của Nhật Bản và thế giới.
Trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh rằng trong hơn hai thập kỷ qua, Châu Á đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm sự phát triển bền vững, Châu Á cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Những thách thức phi truyền thống như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, an ninh nguồn nước, lương thực, năng lượng… ngày càng nghiêm trọng hơn và tác động sâu rộng đến sự phát triển của toàn cầu và châu lục. Động đất vừa qua tại Nhật Bản, Myanmar, Ấn Độ, tình trạng hạn hán gay gắt, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Đông Nam Á, nhất là ở Việt Nam càng cho thấy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của châu lục còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những thách thức, Châu Á cũng đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới để vươn lên và tiếp tục khẳng định vị thế của châu lục là một động lực của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh đó, Việt Nam hiểu rằng nắm bắt thời cơ và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết có ý nghĩa sống còn đối với sự thành công của mỗi quốc gia. Đối với các quốc gia nhỏ, tiềm lực còn hạn chế, cần có cách tiếp cận sáng tạo, linh hoạt, và thậm chí táo bạo. Kinh nghiệm đổi mới hơn ba thập kỷ qua tại Việt Nam cho thấy sự năng động, sáng tạo, khả năng điều chỉnh chính sách kịp thời và tinh thần khởi nghiệp có tính quyết định đối với sự phát triển của nền kinh tế.
Việt Nam tin tưởng rằng, những nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế sẽ giúp Việt Nam xây dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển bền vững về môi trường, hài hoà về xã hội, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Liên quan tới quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp và 6 ngành ưu tiên trong Chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam là điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thuỷ sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam sẽ mang đến nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Nhật Bản. Việt Nam sẽ luôn đồng hành với các nhà đầu tư và thành công của Nhật Bản cũng chính là thành công của Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Một vấn chúng ta quan tâm là đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam. Đầu tư này không chỉ tạo ra tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm, tăng ngân sách cho Việt Nam. Và các nhà đầu tư Nhật Bản cũng thu được lợi ích từ việc đầu tư sang Việt Nam”.
Sau bài phát biểu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã giải đáp những vấn đề mà Hội nghị quan tâm liên quan tới chính sách của Việt Nam, khẳng định lập trường của Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu trong quá trình hội nhập của Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng tin tưởng rằng sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sẽ góp phần vào tăng trưởng chung cho khu vực và thế giới./.