Lạnh lùng thị phạm cho sự vô cảm
VOV.VN - Mặc tài xế vật lộn tên cướp, công an thản nhiên bấm điện thoại như gáo nước lạnh dội vào lòng nhiệt huyết.
Tôi rất mong (và rất hy vọng) ai đó cung cấp thêm những đoạn clip có hình ảnh anh công an kia lao vào hỗ trợ tài xế bắt cướp. Để lúc đó tôi có thể vui mừng tự giải thích với bản thân tôi rằng, chiến sỹ công an đã cùng tài xế vô hiệu hóa khả năng sát thương và gây nguy hiểm của tên cướp, sau đó anh ta mới điện thoại cho đồng đội.
Nhưng nhìn tất cả những dấu hiệu trên người anh công an, như quần áo, giày, mũ… thì chả có một chút gì thể hiện anh ta vừa vật lộn. Mọi thứ đều phẳng phiu, chỉnh tề đến… rợn người.
Và tôi cũng không tìm được lý do gì để không tin lời kể của người lái xe với báo chí: Tôi không hề được người mặc sắc phục công an hỗ trợ, cho dù đã hô cướp, cướp.
Trong các câu chuyện vỉa hè, người ta kháo nhau thấy đánh lộn mà gọi công an thì cứ xác định có đứa lê, có kẻ lết, không còn khả năng động thủ nữa công an mới tới; bắt ổ bạc hay trường gà đá độ thì cứ nghe nổ vài phát chỉ thiên, con bạc chạy tứ tán lúc đó các anh công an mới đàng hoàng tiến vào. Tôi nhất định không tin. Đến giờ tôi vẫn không tin dù cái clip kia là minh chứng rõ ràng và sinh động nhất cho câu chuyện ba láp ở vỉa hè.
Đừng ai nói với tôi cái hành động thản nhiên gọi điện thoại “xin chi viện” của người công an kia khi cái chết của hai sinh mạng đang ở trước mặt, cũng như việc xuất hiện được cho là “đúng thời điểm”, “đúng điểm rơi” của các anh công an trước một số vụ việc (như câu chuyện vỉa hè ở trên) là “có tính nghiệp vụ”.
Tôi chả bao giờ tin bởi không có trường công an nào trên quả đất này dạy như thế cả. Anh em báo chí khối nội chính, pháp luật thường sử dụng cụm từ “bằng các biện pháp nghiệp vụ” khi viết các vụ án là cách nói tránh để không tiết lộ bí mật nghề nghiệp chứ không bao giờ có cái thứ “nghiệp vụ” bất nhân như thế.
Trường của công an luôn dạy các anh các chị cách bảo vệ dân lành, giữ an ninh trật tự. Nếu vì một lý do nào đó mà một vài chiến sỹ chưa học hành đến nơi đến chốn thì có thể hiểu được trong bối cảnh xã hội hôm nay, nhưng chống cái ác, bảo vệ cái thiện, cái đúng là những hành vi phải được chăm chút, được ươm mầm từ tấm bé, từ trong mỗi gia đình. Những ai được giáo dục kỹ càng như thế ngay từ trong gia đình thì dù sau này có là công an hay không, có học trường nghiệp vụ này hay nghiệp vụ kia hay không, thì giúp đỡ kẻ yếu thế, chống cái ác luôn nằm lòng như một bản năng.
Đây là câu chuyện của tất cả chúng ta hôm nay. Nếu chúng ta không dạy những đứa bé sự trung thực và dũng cảm từ lúc nói chưa sõi thì sau này có rất ít hy vọng. Nói điều này để tôi muốn đi tới cái kết cục rất đáng lo ngại của hành động ngó lơ, vô cảm, chứ thực tình không ám chỉ việc giáo dục gia đình của người công an nói trên.
Chúng ta có ít nhất một lần nghe đâu đó kể phương Tây lạnh lùng, ít quan tâm người khác. Nhưng các bạn hãy một lần tới đó đi! Dù tiếng không rành, mệnh giá ngoại tệ chưa biết hết nhưng tôi dám chắc vào cửa hàng các bạn không bao giờ nhận tiền trả lại bị thiếu, dù chỉ vài xen (cent); tôi dám cược với các chị, nếu bụng bầu, đi một mình trên đường, chỉ cần thấy các chị khuỵu xuống thì sẽ có nhiều người lao tới đỡ lấy.
Họ được giáo dục về sự trung thực và quan tâm tới người khác ngay từ trong gia đình. Sự chí trá, lươn lẹo và đớn hèn bị cả xã hội khinh miệt, coi như rác rưởi; là sự xấu hổ của cá nhân, gia đình và cả bè bạn. Những gia đình ở Việt Nam hiện nay cũng đã nhận thức rõ sự thiếu hụt rất lớn trong nhà trường, trong nền giáo dục của chúng ta nên đã chăm chút hơn cho giáo dục gia đình.
Chúng ta đã nói nhiều đến sự vô cảm. Vô cảm một phần là bởi người ta sợ liên lụy, sợ mang vạ vào thân. Đôi khi chúng ta muốn giúp đỡ một trường hợp nào đó nhưng trước một xã hội còn nhiều bất ổn về trị an, thật giả khó lường; còn nhiêu khê khi dính dáng tới chính quyền và luật pháp nên chúng ta tặc lưỡi đi qua. Những rắc rối và phiền toái đó chính quyền và những người làm luật đã biết, đang gỡ dần để kẻ gian biết sợ người ngay; để người tốt được làm việc tốt mà không mảy may băn khoăn lo ngại.
Trong bối cảnh ấy, nhất là trong lúc các đoàn thiện nguyện, tình nguyện lao vào tâm dịch, bằng tri thức khoa học và bằng cả lòng tốt, lòng dũng cảm để khống chế dịch bệnh thì sự việc của cá nhân người chiến sỹ công an thản nhiên bấm điện thoại kia như gáo nước lạnh dội vào lòng nhiệt huyết.
Có người trách: Sao người đi đường không hỗ trợ? Sao lại đứng quay clip ghi hình? Trách họ một thì trách người công an kia trăm lần. Bởi người đại diện cho pháp luật đứng đó còn chả động chân động tay thì người dân đi qua biết phải trái đúng sai thế nào?
Thế nên, không quá khi gọi hành động của người công an kia là đồng lõa và tiếp tay cho sự vô cảm. Thật đáng buồn những hành động như thế lại “rất có giá trị”, mang “tính định hướng” cho cách ứng xử trong xã hội hiện nay. Họ đang trắng trợn và lạnh lùng thị phạm cho sự vô cảm. Tôi và nhiều phụ huynh khác đang đặt câu hỏi: Liệu chúng tôi có đang uổng công dạy các con về sự dũng cảm trong cuộc sống?./.