Khí thế những ngày Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn
VOV.VN - Ngày 25/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân.
Chấp hành lệnh tổng khởi nghĩa của Ủy ban Kháng chiến toàn quốc và kế hoạch của Xứ ủy Nam kỳ, trong đêm 24/8/1945, quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lân cận mang theo giáo mác, tầm vông,... kéo về nội thành để tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.
Sáng ngày 25/8/1945, đông đảo quần chúng đổ về trung tâm thành phố tham dự mít tinh chào mừng Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Cờ đỏ sao vàng ngập tràn trên đường phố, đánh dấu thắng lợi cuộc khởi nghĩa tại Sài Gòn.
Khí thế hào hùng của thời khắc lịch sử hiện lên trong tập Những ngày tháng Tám, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng viết: “Ủy ban khởi nghĩa Sài Gòn do Xứ ủy chỉ định làm việc ngày đêm không nghỉ. Trụ sở số 6 Cô-lom-be và 14 Sác-ne không lúc nào vắng bóng người tấp nập ra vào, hội họp, thảo luận. Đến gần ngày 25 tháng 8, điều kiện càng chín muồi.
Các đảng phái chính trị thân Nhật, nhóm trí thức theo bọn Tơ-rốt-kít, các quan lại, công chức cao cấp của chế độ cũ có lúc phản ứng hoặc tỏ ra tiêu cực đối với phong trào, giờ cũng phải thay đổi thái độ trước khí thế của quần chúng và sự thúc giục tình thế”.
Công tác chuẩn bị giành chính quyền đã được tiến hành ráo riết, nhất là vận động chính trị: thuyết phục các đảng phải ủng hộ Mặt trận Việt Minh; vận động cảnh sát, binh lính, công chức ngả theo cách mạng, vận động công nhân, học sinh, nhân dân tham gia giành chính quyền. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị lực lượng quân sự cũng được gấp rút tiến hành.
“Đêm 24 rạng 25 tháng 8, thanh niên tiền phong các cơ sở tự mình chiếm lấy công sở, xí nghiệp của mình, hạ cờ quẻ ly xuống, treo cờ đỏ sao vàng lên, trừ mấy cơ sở hiểm yếu thì đúng 12 giờ đêm giao lại cho bộ đội "Việt Minh" chiếm đóng và bảo vệ.
Suốt đêm, chúng tôi loay hoay theo dõi công việc này nói chung đã thực hiện một cách trôi chảy. Nhưng còn một việc nặng nhọc gấp mấy lần là chuẩn bị cuộc biểu tình tuần hành hôm sau ngày 25 tháng 8” – Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng hồi tưởng về ngày khởi nghĩa.
Sức mạnh vũ bão của cuộc tuần hành ngày 25/8/1945 hiện lên qua từng câu chữ: “Từ 12 giờ khuya trở đi, đồng bào lao động vùng ngoại ô và cả các tỉnh lân cận Sài Gòn như Chợ Lớn, Tân An, Gia Định nườm nượp kéo vào Sài Gòn tham gia tuần hành. Đến 7 giờ sáng, các dòng người cứ đổ vào, đổ vào mãi như không bao giờ dứt. Bầu không khí trở nên thiêng liêng một cách lạ thường. Tiếng rầm rập của hàng triệu bàn chân bước những bước chắc nịch, điểm theo những khẩu lệnh: Một! Hai! Và những lời ca hùng tráng. Tiếng chân bước ấy vang dội thấm thía vào tận tim gan chúng tôi như những tiếng nói của lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân, từ đây nhân dân Việt Nam đã vùng dậy tiến bước đến tương lai huy hoàng của mình, không một lực lượng phản động nào ngăn cản nổi”.
Sài Gòn đã mang một sức sống mới, giống như khắp nơi trên cả nước trong Cách mạng tháng Tám, khi dân tộc Việt Nam vùng lên phá tan xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến và giành lại nền độc lập.
Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng bày tỏ cảm xúc khi Cách mạng thành công: “Bình minh đã hé rạng. Sài Gòn hôm nay không còn là Sài Gòn hôm qua nữa. Tám mươi năm của chế độ nô lệ đã bị xóa bỏ trong một biển người và cờ xí trùng điệp. Chính quyền về tay nhân dân từ lúc nào, không còn ai nhớ nữa. Ai cũng chỉ có cảm giác sâu sắc rằng từ đây đất nước này là của mình”.