Không có quy chế bảo vệ, ai dám tố cáo tham nhũng?
VOV.VN - "Pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy chế riêng về bảo vệ người tố cáo tham nhũng” – khẳng định của TS Vũ Công Giao (Viện Chính sách công và pháp luật).
Người dân đều biết rất rõ các hành vi tham nhũng, hoặc đã từng nhìn thấy hành vi tham nhũng nhưng ít khi tố cáo. Nhận định này là có cơ sở, bởi theo Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), trong một kết quả khảo sát năm 2013 cho thấy, 51% người dân được hỏi cho rằng tố cáo tham nhũng không thay đổi được gì, còn 28% không dám tố cáo vì sợ phải gánh chịu hậu quả. Còn trong một khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới, 62% người được hỏi nói lý do họ không tố cáo tham nhũng là “sợ bị trả thù”.
Ảnh minh họa (Nguồn: NLĐ) |
Tìm hiểu nguyên nhân khiến thực tế người tố cáo có tâm lý e ngại, sợ sệt và không tích cực hợp tác với cơ quan nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, TS Vũ Công Giao (Viện Chính sách công và Pháp luật, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) cho rằng nguyên nhân cơ bản nằm ở chỗ các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ người tố cáo vẫn còn phân tán trong quá nhiều văn bản pháp luật và chỉ mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng và hướng dẫn thi hành.
TS Vũ Công Giao khẳng định: pháp luật Việt Nam hiện vẫn chưa có một quy chế riêng về việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Cụ thể: Luật Tố cáo có một chương về bảo vệ người tố cáo nhưng chỉ đưa ra những quy định chung nhất về người tố cáo, người bị tố cáo, thẩm quyền giải quyết tố cáo, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo. Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành quy định “người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tham nhũng… phải áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu…”. Tuy nhiên, quy định này cũng rất định tính. Nghị định số 59/2013 của Chính phủ cũng chỉ bổ sung một quy định rất chung chung về bảo vệ người tố cáo: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo vệ người tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo”.
Cũng theo TS Vũ Công Giao, theo các quy định của pháp luật hiện hành, đang có quá nhiều cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo trong khi thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế và chồng chéo, dẫn tới không có một cơ quan chuyên biệt để bảo vệ người tố cáo nói chung và người tố cáo tham nhũng nói riêng.
Theo Luật Tố cáo năm 2011, Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo đối với trường hợp bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú nhưng trong trường hợp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo thì Luật lại không quy định trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào mà chỉ quy định trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan khác có thẩm quyền.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi) không có quy định cụ thể về cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo mà chỉ quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ (người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác) là cơ quan điều tra của Công an nhân dân và cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân. Ngoài ra, VKSND và TAND có thể đề nghị cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý vụ án hình sự ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ khi cần thiết.
Trong khi đó, Luật Phòng chống tham nhũng tuy là văn bản luật chuyên ngành nhưng chỉ quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng một cách chung chung.
Thiết lập chương trình bảo vệ người tố cáo
Cùng quan điểm với TS Vũ Công Giao, Thạc sĩ Nguyễn Văn Thịnh (Cục Pháp chế, Bộ Công an), cho rằng, những quy định của phát luật tố tụng hình sự hiện hành về bảo vệ người tố giác chỉ dừng lại ở tính nguyên tắc, thiếu hướng dẫn cụ thể đã gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tổ chức thực hiện. Các quy định của pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về từng biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định, lực lượng tiến hành bảo vệ, kinh phí để bảo vệ người tố giác, cũng không quy định trong những trường hợp cụ thể nào thì người tố giác và thân nhân của họ được bảo vệ.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Thịnh cho rằng cần thiết lập chương trình bảo vệ nhằm bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ. Ở Trung ương, chương trình này đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an, có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao; ở các tỉnh, thành phố, chương trình đặt dưới sự lãnh đạo của công an tỉnh và sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát, Tòa án cùng cấp.
Chương trình bảo vệ được tiến hành khi có thông tin xác thực về nguy cơ tấn công hoặc xâm hại của tội phạm, đồng bọn, hoặc thân nhân của chúng đối với người tố giác, người làm chứng, bị hại và những người tham gia tố tụng khác. Trường hợp cấp bách cần ngăn chặn ngay sự nguy hiểm của tội phạm đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người được bảo vệ thì Ban chỉ đạo phải áp dụng ngay biện pháp khẩn cấp, cử ngay lực lượng bảo vệ đến nhà ở, nơi làm việc của người được bảo vệ hoặc tạm thời đưa họ đến nơi an toàn.
Theo PGS.TS Vũ Công Giao, để tố cáo thực sự là công cụ phát hiện tham nhũng hữu hiệu và khuyến khích người dân tham gia phòng chống tham nhũng, cần có một cơ quan chuyên trách bảo vệ người tố cáo tham nhũng được quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện đảm bảo hoạt động. Căn cứ trên tình hình thực tế của Việt Nam, nên giao chức năng chủ trì, điều phối và chuyên trách bảo vệ người tố cáo cho cơ quan công an, cụ thể là lực lượng cảnh sát./.