Không giảm án cho ông Nguyễn Nhật Cảm: Cán bộ "nhúng chàm" không thể nương tay

VOV.VN - Hành vi của các bị cáo ở CDC Hà Nội được HĐXX cấp phúc thẩm nhận định đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Không phải cứ “xin” là được “cho”

Ngày 24/6, sau khi xem xét các tình tiết, HĐXX Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm - nguyên Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) và 5 bị cáo khác trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại CDC Hà Nội vào năm 2020. 

Một điểm đáng chú ý trong phiên tòa phúc thẩm là có nhiều tổ chức, cá nhân, nhà khoa học, 30 CDC khắp các tỉnh thành cả nước có đơn xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Tòa phúc thẩm ghi nhận các ý kiến, đề nghị này, song cũng nhấn mạnh những tình tiết giảm nhẹ đã được tòa án cấp sơ thẩm cho các bị cáo hưởng đầy đủ.

HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của 6 bị cáo và tuyên án giữ nguyên mức án 10 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, các bị cáo khác nhận mức án từ 5 năm đến 6 năm 6 tháng tù như bản án sơ thẩm.

Vụ án này được dư luận đặc biệt quan tâm, bức xúc khi quá trình điều tra, truy tố và xét xử cho thấy các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nâng giá thiết bị trong khi cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đang chung tay, dốc mọi nguồn lực để “chống dịch như chống giặc”, nhằm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Theo dõi phiên xét xử, luật sư Nguyễn Hồng Bách (Công ty Luật Hồng Bách và cộng sự) cho biết, nhiều CDC các tỉnh cùng nhiều nhà khoa học, Giáo sư, Phó giáo sư và hơn 400 bác sĩ đã có đơn “mong xem xét khoan hồng, giảm án” cho cựu Giám đốc CDC Hà Nội là việc làm rất đáng trân trọng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm với bị cáo.

Tuy nhiên, cũng theo luật sư này, mặc dù việc viết đơn xin giảm án là quyền của các cá nhân và cơ quan chức năng phải xem xét, nhưng khi xem xét, các cơ quan này phải dựa trên cơ sở pháp luật, chứ không phải cứ “xin” là sẽ được “cho”. Pháp luật nghiêm minh, mọi hành vi đều được xem xét trên cơ sở công bằng giữa tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, cũng như xem xét nguyên nhân, hoàn cảnh, động cơ, mục đích của hành vi sai phạm. HĐXX sẽ dựa trên các căn cứ đó để đưa ra phán quyết cuối cùng.

“Về mặt nguyên tắc công bằng, một cá nhân giữ chức vụ cao hay một người dân bình thường khi mắc sai phạm đến mức phải truy tố trước pháp luật thì đều bị xét xử như nhau. Còn các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đều đã được quy định rõ trong luật” – luật sư Nguyễn Hồng Bách phân tích.

Đề cập việc có nhiều đơn thư xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu Giám đốc CDC Hà Nội nhưng HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận, luật sư Nguyễn Hồng Bách nhấn mạnh, rằng đây là một trong những biểu hiện của nguyên tắc công bằng. Điều đó cũng chứng tỏ Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt là các loại tội phạm kinh tế, tội phạm liên quan chức vụ, quyền hạn cũng như quyết tâm làm trong sạch bộ máy.

Việc sớm đưa vụ án Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm ra xét xử cũng là minh chứng khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước cũng như khối tư pháp đã rất nghiêm minh, phán quyết dựa trên cơ sở pháp luật với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

“Tòa xét xử dựa trên nguyên tắc, nếu có lỗi thì phải xem xét, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì cần áp dụng. Hành vi của các bị cáo ở CDC Hà Nội được HĐXX cấp phúc thẩm nhận định đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, trong khi Đảng, Nhà nước và nhân dân đang nỗ lực chống dịch, nên cần phải xử lý nghiêm minh”- luật sư Nguyễn Hồng Bách nói và nhấn mạnh bản chất của hình phạt là mang tính chất răn đe, giáo dục.

Có thể trước đó bị cáo có quá trình công tác, cống hiến với nhiều thành tích, nhưng trong quá trình làm việc có thể gặp phải sai lầm trên cơ sở khách quan, thậm chí có lỗi do chủ quan thì cần phải được xem xét một cách tổng thể để đưa ra mức án. Thậm chí, nếu thiệt hại của vụ án được sớm khắc phục thì đó cũng là tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được hưởng.

Giữ mình để tránh những “viên đạn bọc đường”

Phân tích về nguyên nhân khiến một bộ phận cán bộ “nhúng chàm” bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự trong thời gian qua, PGS.TS Đỗ Xuân Tuất – Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, cần xem xét ở nhiều góc độ.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ thể chế, mặc dù đã đổi mới, cải tiến, hướng tới đồng bộ, hệ thống hơn nhưng vẫn còn đâu đó những kẽ hở khiến cán bộ lợi dụng. Bên cạnh đó, ở góc độ quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên vẫn còn có những bất cập, khiếm khuyết.

“Một nguyên nhân khác là bản thân cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng, rèn luyện, họ xa rời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, họ tha hóa, biến chất, bị những “viên đạn bọc đường” của chủ nghĩa cá nhân “bắn thủng”. Nếu cán bộ đặt mình trong cái chung của tập thể, biết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, nêu gương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đề cao dân chủ, công khai, minh bạch thì chắc chắn không chỉ bảo vệ được mình mà còn bảo vệ, giữ gìn được uy tín, thanh danh của người cán bộ, đảng viên cũng như của tổ chức Đảng” – ông Đỗ Xuân Tuất nhấn mạnh.

Một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đó là “Tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”.

Quyết tâm của Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng để khẳng định và lan tỏa tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí "không ngừng", "không nghỉ". Cùng với những cơ chế, chế tài đã có và những mục tiêu, phương hướng cụ thể đã nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII, cán bộ, đảng viên và nhân dân có cơ sở tin tưởng công cuộc “chống giặc nội xâm” trong thời gian tới sẽ mang lại những kết quả tích cực hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phòng, chống tham nhũng: Giải pháp căn cốt là hoàn thiện thể chế
Phòng, chống tham nhũng: Giải pháp căn cốt là hoàn thiện thể chế

VOV.VN - Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, giải pháp căn cốt, xuyên suốt, triệt để là phải hoàn thiện thể chế cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Phòng, chống tham nhũng: Giải pháp căn cốt là hoàn thiện thể chế

Phòng, chống tham nhũng: Giải pháp căn cốt là hoàn thiện thể chế

VOV.VN - Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, giải pháp căn cốt, xuyên suốt, triệt để là phải hoàn thiện thể chế cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tổng Bí thư: Quân đội phải đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân
Tổng Bí thư: Quân đội phải đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân

VOV.VN - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Quân đội phải là lực lượng đi đầu trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; chống chủ nghĩa cá nhân, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Tổng Bí thư: Quân đội phải đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân

Tổng Bí thư: Quân đội phải đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân

VOV.VN - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Quân đội phải là lực lượng đi đầu trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; chống chủ nghĩa cá nhân, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Lỗ hổng pháp lý dẫn đường cho tham nhũng đất công
Lỗ hổng pháp lý dẫn đường cho tham nhũng đất công

VOV.VN - Pháp luật liên quan đến đất đai của Việt Nam hiện nay chưa rành mạch, rõ ràng, dẫn đến cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau.

Lỗ hổng pháp lý dẫn đường cho tham nhũng đất công

Lỗ hổng pháp lý dẫn đường cho tham nhũng đất công

VOV.VN - Pháp luật liên quan đến đất đai của Việt Nam hiện nay chưa rành mạch, rõ ràng, dẫn đến cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau.