Phòng, chống tham nhũng: Giải pháp căn cốt là hoàn thiện thể chế
VOV.VN - Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, giải pháp căn cốt, xuyên suốt, triệt để là phải hoàn thiện thể chế cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cho 5 năm tới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Giải pháp căn cốt, xuyên suốt, triệt để là hoàn thiện thể chế để chống tham nhũng
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia mới đây nhằm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Công tác kiểm tra, giám sát gắn với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã làm rất tốt, làm một cách kiên quyết, song những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Tới đây sẽ phải làm thế nào để không thể, không dám, không muốn tham nhũng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thế nào để ngăn chặn được nguy cơ vi phạm? Chế tài ra sao để khi cán bộ bắt tay vào việc làm cảm thấy yên tâm. Điều quan trọng là chế độ, chính sách cụ thể để cán bộ không muốn tham nhũng. Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, giải pháp căn cốt, xuyên suốt, triệt để là phải hoàn thiện thể chế cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Từ Đại hội XII trở về trước, chúng ta nhấn mạnh “ba không” trong phòng chống tham nhũng, gồm “không thể, không dám và không cần”. Lần này, Đại hội XIII đặt vấn đề "bốn không", có thêm một "không" nữa là “không muốn” tham nhũng.
Ông Nguyễn Viết Thông – Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương trong tham luận gửi đến hội thảo cho biết, đối với giải pháp “không muốn” tham nhũng, Đại hội XIII xác định tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành dộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu .
Hoàn thiện quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu
Về giải pháp “không thể” tham nhũng, Đại hội XIII xác định đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người làm công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham nhũng cũng như với người tố cáo, tích cực đấu tranh chống tham nhũng. Đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
“Không dám” tham nhũng, theo ông Nguyễn Viết Thông, Đại hội XIII xác định tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, lãng phí; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí cũng như xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Trong giải pháp này, Đại hội XIII xác định tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, đảm bảo liêm chính, trong sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và cơ quan tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.
“Về giải pháp “không cần” tham nhũng, Đại hội XIII xác định tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác” – ông Nguyễn Viết Thông cho biết.
Theo Ban Nội chính Trung ương, để cụ thể hóa mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo, Văn kiện Đại hội XIII đã xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Ngoài các giải pháp để hình thành cơ chế “không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng”, Văn kiện Đại hội yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhất là tăng cường giám sát việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng và trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Do vậy, phải đề cao vai trò giám sát của nhân dân, thực sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào dân, lắng nghe dân, kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, khẳng định sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Với những quan điểm và quyết tâm mới trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhân dân càng có cơ sở để tin tưởng công cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” trong nhiệm kỳ mới sẽ thu được những kết quả đáng kể./.