Không hạn chế đại biểu Quốc hội tiếp công dân
VOV.VN -Đại biểu Quốc hội cần chủ động về thời gian, hình thức, địa điểm tiếp công dân cho phù hợp với điều kiện của đại biểu.
Chiều 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết về việc các cơ quan của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Dự thảo Nghị quyết có 24 điều, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các điều khoản nhằm nâng cao việc tiếp công dân, cũng như tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Trong đó, Dự thảo quy định rõ về nơi tiếp công dân của Quốc hội, không hạn chế đại biểu Quốc hội tiếp công dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết tiếp công dân |
Theo đó, ngoài trách nhiệm tiếp công dân ở Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động về thời gian, hình thức, địa điểm tiếp công dân cho phù hợp với điều kiện của đại biểu.
Về nơi tiếp công dân, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ ràng và trong trường hợp " cần thiết" là trường hợp nào. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền góp ý: “Cần nêu rõ điều kiện để đại biểu tiếp công dân. Quy định như dự thảo là quá rộng, đại biểu Quốc hội khó thực hiện. Tiếp công dân theo sự phân công của Đoàn, Ủy ban thì có thể thực hiện. Nếu quy định tiếp ở đâu cũng được thì đại biểu Quốc hội không thể sống nổi và gây sức ép với các đại biểu, đặc biệt là Ủy ban Tư pháp bởi một năm tiếp nhận từ 5.000 đến 7.000 đơn thư”.
Để khắc phục tình trạng đơn, thư khiếu nại lòng vòng trong các cơ quan của Quốc hội, có ý kiến đề nghị khi nhận được đơn, thư của công dân, các cơ quan của Quốc hội phải tổ chức phân loại, chuyển đến cơ quan xử lý theo lĩnh vực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn góp ý: “Đại biểu Quốc hội hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội khó biết hết các quyết định hành chính không liên quan trực tiếp tới quyền lợi ích của người khiếu nại hay nội dung trùng lặp đã được cơ quan Quốc hội chuyển đến cá nhân nhưng chưa hết thời hạn giải quyết… Khó có thể biết được điều này để có quyền không chuyển. Nếu quy định như vậy thì khiếu nại, tố cáo còn triền miên. Dự thảo cần quy định chặt chẽ để có tính khả thi khi thực hiện”.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo lược bỏ quy định về “Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân” vì nội dung giám sát đã được quy định cụ thể trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.
Cũng trong phiên họp chiều 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục góp ý sửa đổi, bổ sung để Nghị quyết được triển khai hiệu quả, phù hợp với Hiến pháp./.