Tiếp công dân: "Cứ hứa rồi để đó là không được!"
VOV.VN -Luật Tiếp công dân phải hướng đến giải quyết được thực trạng đơn thư của dân bị chuyển vòng vo.
Phát biểu ý kiến sau khi nghe Báo cáo của Ủy ban Pháp luật về một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tiếp công dân, sáng 19/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, dự án luật được tiếp thu và chuẩn bị khá kỹ. Tuy nhiên, những câu hỏi quan trọng cần được cơ quan soạn thảo và thẩm tra nghiên cứu để tìm câu trả lời.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật phải làm rõ tiếp dân rồi thì giải quyết thế nào, vì thực tế cho thấy công tác giải quyết chưa tốt, đơn thư còn bị chuyển vòng vèo, dẫn đến nhiều vụ tồn đọng, thậm chí dẫn đến khiếu kiện vượt cấp.
“Luật phải làm rõ trách nhiệm, tính pháp lý sau khi tiếp dân, trả lời dân để người dân đỡ vất vả. Các ngành, các cấp phải giải quyết xong phần việc của mình, nếu không phải quy trách nhiệm cụ thể. Không thể cứ tiếp dân rồi lại chuyển đến ba bốn nơi. Luật phải làm rõ, nếu không những tồn tại sẽ không thể được giải quyết”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An Ninh Nguyễn Kim Khoa đặt câu hỏi: Luật Tiếp công dân ra đời có chấm dứt được sự vòng vo cấp này sang cấp khác, cơ quan này sang cơ quan kia không, tính khả thi thế nào? Đơn thư nhận xong thì chuyển đi đâu, áp dụng luật khác để xử lý hay phải được điều chỉnh ngay trong luật này? “Thư có đi thì phải có về, có hỏi thì phải trả lời. Dân cứ gửi đơn rồi chờ, đi lại năm lần bảy lượt, rất khổ”, ông Khoa nhấn mạnh.
Khẳng định người dân có quyền hỏi và cơ quan Nhà nước phải có nghĩa vụ trả lời, ông Nguyễn Kim Khoa đặt vấn đề những trụ sở, văn phòng tiếp nhận đơn thư của người dân có thể áp dụng “cơ chế một cửa” không, tức là “nơi đi cũng là nơi đến”, người dân vẫn nhận được câu trả lời mà không phải đi vòng vo. Có như vậy Luật mới đảm bảo được tính độc lập, nếu không chỉ là một quy trình của Luật khiếu nại, Luật Tố cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, dự thảo Luật Tiếp công dân có bước kết nối chặt chẽ với Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Thực tiễn cuộc sống sinh động, do đó để đảm bảo mục tiêu hướng tới tạo sự thuận lợi cho người dân khi tiếp cận, những quy trình không nên quá cứng nhắc, giải quyết đừng quá lâu, quá nặng nề.
Quan trọng là giải quyết kiến nghị
Một nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến là quy định trụ sở tiếp công dân. Có ý kiến cho rằng chỉ cần trụ sở tiếp dân ở Trung ương, còn lại chỉ nên có các văn phòng, kể cả của Quốc hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cấp tỉnh cho rằng nên có trụ sở vì lượng người dân đến kiến nghị đông, nhiều vụ việc kéo dài.
Về quy định người đứng đầu tiếp công dân theo định kỳ và nơi tiếp dân, nhiều ý kiến cho rằng cần linh hoạt để tạo thuận lợi cho người dân, điều quan trọng là kết quả giải quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, không nên tách tiếp xúc cử tri ra khỏi tiếp công dân. Vì khi tiếp xúc cử tri người dân nêu nhiều vấn đề đời sống an sinh, thậm chí đơn thư. Địa điểm tiếp xúc là cấp cơ sở như xã, là nơi gần dân nhất, thay vì họ phải lên huyện, tỉnh để nộp đơn.
“Có thể tiếp xúc công dân một cách uyển chuyển, miễn giải quyết tốt, đem lại niềm tin cho người dân. Có những lúc người đứng đầu cũng phải trực tiếp xuống cở sở để lắng nghe, giải quyết, hoặc cũng có thể yêu cầu bố trí nơi gặp gỡ. Quy trình cũng chỉ là kỹ thuật”, bà Mai nêu ý kiến.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, tiếp công dân tại cơ sở là tốt nhất, không nên quy định chỉ tiếp công dân tại trụ sở hay tại văn phòng: “Người đứng đầu có thể yêu cầu tiếp ở nơi nào đó, quan trọng là kết quả thế nào, còn có đến chục địa điểm, trụ sở cũng thế thôi.
Ông Phúc nêu ý kiến cho rằng, người đứng đầu phải tiếp công dân theo quy định, không cử cấp dưới tiếp thay để rõ trách nhiệm, đường đi của đơn thư và nâng cao trách nhiệm giải quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lấy vị dụ các cuộc tiếp công dân của Bí thư Thành ủy Hà Nội và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để lắng nghe tâm tư, bức xúc của người dân để có hướng giải quyết và hiệu quả rất tốt. Do đó, cần cân nhắc kỹ khi quy định bắt buộc tiếp ở đâu.
Có ý kiến đề nghị cần tách rõ những nội dung kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị góp ý xây dựng hệ thống chính trị, phát triển đất nước để có những quy định phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, trừ những nội dung kiến nghị bắt buộc phải tiếp dân tại trụ sở, văn phòng, còn những phản ánh của người dân thì phải tiếp không kể không gian và thời gian./.