Không thể lấy lý do “đòi lại đất” để tấn công bạo động ở Tây Nguyên

VOV.VN - Không thể nói là người Kinh chiếm hết đất của người Thượng. Không thể lấy lý do đó để đòi lại đất, giành lại đất rồi tiến hành tấn công, bạo động.

Sự ra đời và tồn tại của tổ chức khủng bố, phản động Fulro là một câu chuyện dài của lịch sử. Qua nhiều biến cố phức tạp, lúc chìm, lúc ẩn, tổ chức khủng bố này vẫn luôn nuôi dưỡng ý đồ chống phá Việt Nam. Sau năm 1975, các đối tượng Fulro đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vũ trang, phá hủy tài sản, bắt cóc, giết hại đồng bào, gây nên những tội ác kinh hoàng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Sau một thời gian dài đấu tranh triệt phá, truy quét, chúng ta đã làm tan rã “bóng ma” Fulro, trả lại bình yên cho nhân dân.

Nhưng với âm mưu, ý đồ chống phá đất nước, những đối tượng cầm đầu ở nước ngoài vẫn luôn chờ thời cơ, chỉ đạo bọn phản động trong nước tiến hành các hoạt động vũ trang, khủng bố chống đối Nhà nước Việt Nam. Điển hình nhất là vừa qua, nhóm khủng bố Fulro đã tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk, giết hại đồng bào, cán bộ và chiến sĩ.

Nhận diện và làm rõ hơn phương thức, thủ đoạn của tổ chức khủng bố, phản động Fulro này, phóng viên VOV phỏng vấn Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Trung tâm An ninh Phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội.    

Fulro tiêm nhiễm tư tưởng thù hằn dân tộc

PV: Thưa ông, vừa qua một số đối tượng trong nhóm phản động Fulro đã có hành vi tấn công, giết hại đồng bào, cán bộ và chiến sĩ. Vậy Giáo sư có thể cho biết đôi nét về sự hình thành của nhóm phản động Fulro này?

GS-TS Nguyễn Xuân Yêm: Chúng ta thấy rằng, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên từ thời Pháp chiếm đóng ở Việt Nam, cho đến thời chính quyền Mỹ - ngụy, vấn đề Fulro đã hình thành và nổi lên rất phức tạp. Thực chất là các thế lực thù địch, các quốc gia xâm lược Việt Nam, họ luôn muốn tạo dựng một chính quyền tay sai, đối lập, đối trọng nhằm gây sức ép với chính quyền cách mạng ở nước ta. Vì thế họ vẫn luôn nuôi dưỡng, đào tạo, dung dưỡng, chứa chấp để tập hợp lực lượng, hình thành nên cái gọi là “chính quyền Fulro”. Sau khi chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì tổ chức phản động Fulro rất manh động, tiến hành nhiều cuộc tấn công vũ trang, phá hủy tài sản, bắt cóc, giết hại  đồng bào, gây nên những tội ác kinh hoàng trên đất nước ta. Cho đến thời điểm này, vấn đề Fulro ở Tây Nguyên, tôi thấy đã được giải quyết một cách căn bản. Nhưng lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, các thế lực thù địch, các đối tượng trong nhóm khủng bố, phản động Fulro vẫn tiếp tục hoạt động có khi ở nước ngoài, có khi ở trong nước với nhiều hình thái mới, hoạt động mới, nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.

PV: Ngoài việc trực tiếp tiến hành các vụ khủng bố, tấn công vào cơ quan, trụ sở chính quyền như vừa xảy ra ở Đắk Lắk thì tổ chức khủng bố, phản động Fulro còn sử dụng các phương thức thủ đoạn nào để chống phá đất nước, thưa ông?

GS-TS Nguyễn Xuân Yêm: Phương thức chung của nhóm khủng bố này là chúng kết hợp nhuần nhuyễn từ bên trong với bên ngoài. Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chúng kích động li khai dân tộc. Âm mưu, thủ đoạn này chúng đã tiến hành vào những năm trước đây nhưng thất bại. Thời gian gần đây, các đối tượng Fulro lưu vong lại tiếp tục dựng lên các tổ chức phản động, đội lốt tôn giáo dưới các tên gọi khác nhau như “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam”, “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”. Các tổ chức này được chúng thành lập ở nước ngoài. Còn ở trong nước thì chúng tìm kiếm những đối tượng bất mãn, có thể là những đối tượng trước đây đã tham gia Fulro, hoặc là chưa từng tham gia Fulro, chúng lôi kéo, kích động và tiêm nhiễm tư tưởng thù hằn dân tộc. Từ đó, chỉ đạo, điều hành tiến hành các vụ biểu tình, bạo loạn, tấn công vũ trang… như đã từng diễn ra ở một số địa phương trong thời gian qua.

PV: Như thế có nghĩa là, các đối tượng chủ mưu cầm đầu đều ở nước ngoài, sau đó chỉ đạo, điều hành các lực lượng phản động trong nước để tiến hành các vụ việc gây bất ổn chính trị, gây mất ổn định an ninh trật tự ở một số địa phương?

GS-TS Nguyễn Xuân Yêm: Đúng vậy, nếu không có sự giật dây, kích động, chi tiền điều khiển từ bên ngoài thì các đối tượng trong nước sẽ khó thực hiện được các hoạt động chống phá đất nước. Trước tiên là sự hỗ trợ và kích động từ bên ngoài, đồng thời sử dụng các đối tượng trong nước. Chúng vận động và có thể dùng cả vật chất để mua chuộc thanh niên, hoặc một số đối tượng từng vi phạm pháp luật, bị Nhà nước xử lý dưới nhiều hình thức. Họ kết hợp, tập hợp lại và kích động chống lại chính quyền, giết hại đồng bào, cán bộ, chiến sĩ… Hành vi đó đã gây nên những bất ổn trong xã hội, ảnh hưởng đến an ninh chính trị của đất nước, cần phải được nghiêm trị theo luật pháp.

Không thể lấy lý do đòi lại đất để tấn công  bạo động ở Tây Nguyên

PV: Theo Giáo sư thì vì sao các đối tượng trong nhóm khủng bố Fulro lại chủ yếu tiến hành các hoạt động chống phá chính quyền trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên?

GS-TS Nguyễn Xuân Yêm: Như chúng ta đã biết, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược. Tây Nguyên từ thời xa đã là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc. Chúng ta biết rằng, trong một đất nước có nhiều dân tộc thì vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc rất là quan trọng. Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch coi Tây Nguyên và lấy Tây Nguyên làm địa bàn trọng điểm trong tiến hành các hoạt động chống phá đất nước.

Ví dụ, họ vu cáo “người Kinh, người Việt chiếm hết đất của người Thượng trên Tây Nguyên”. Nói như vậy thì không đúng. Vì chúng ta thấy, nếu nhìn rộng hơn ra thế giới. Ví dụ, ngay cả mô hình những nước tiên tiến như EU, khi người ta xây dựng Hiệp ước Schengen, là 27- 28 nước trên thế giới có thể đi lại tự do, gần như xóa nhòa biên giới. Người bất cứ một dân tộc nào, một quốc gia nào trong 28 nước đó đều có thể đi sang sinh sống ở nước khác. Như vậy, trong đất nước của chúng ta, việc người Kinh hay là người khác đến sinh sống, làm việc ở khu vực Tây Nguyên, tôi cho là bình thường. Với chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, khi chúng ta có đa dân tộc ở Tây Nguyên, thì Tây Nguyên hiện nay phát triển hơn trước kia rất nhiều. Cho nên không thể nói là người Kinh chiếm hết đất của người Thượng. Không thể lấy lý do đó để đòi lại đất, để giành lại đất, rồi tiến hành tấn công, bạo động. Tôi cho rằng cái đó là ngụy biện, hoàn toàn là để ngụy biện lại những hành động họ đưa ra vừa rồi.

PV: Nhìn lại vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk vừa qua, ông có thể cho biết về tính chất nguy hại của nhóm phản động này. Và theo Giáo sư, chúng ta cần có biện pháp như thế nào để có thể chủ động, đấu tranh và ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để xảy ra sự việc tương tự như vậy?

GS-TS Nguyễn Xuân Yêm: Tác hại thì chúng ta thấy rồi, làm xâm hại đến chính quyền, bắn chết cán bộ, chiến sĩ và người dân. Tôi cho đó là tội phạm rất nguy hiểm. Để giải quyết vấn đề này chúng ta phải làm trên bình diện rộng hơn.

Thứ nhất là chúng ta thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Vấn đề thứ hai là chúng ta nghiên cứu, nhận diện tất cả những mối đe dọa, như chúng tôi gọi là mối đe dọa về an ninh phi truyền thống. Tôi nói, ví dụ thực tế ở Việt Nam, chúng ta thấy là phần lớn những khiếu kiện, những mâu thuẫn xảy ra liên quan rất nhiều đến đất đai. Vấn đề đất đai là vấn đề rất phức tạp. Ngay cả trong nội bộ một gia đình, một thôn, một làng xóm chúng ta phải rất coi trọng, không được coi thường.

Vấn đề nữa, chúng ta phải làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời, phối hợp với những cơ quan an ninh của nước ngoài, của các nước, để chúng ta kịp thời ngăn chặn. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nói là, phòng ngừa từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy. Kết hợp rất nhiều những biện pháp kinh tế, xã hội với biện pháp về an ninh, quốc phòng. Và qua vụ việc ở Đắk Lắk, chúng ta cũng rút ra nhiều bài học để ngăn chặn các vụ việc tương tự.

PV: Như thế cũng có nghĩa là việc phát triển kinh tế xã hội phải luôn gắn liền với quốc phòng, an ninh, nhất là trên các địa bàn chiến lược, thưa ông?

GS-TS Nguyễn Xuân Yêm: Đúng vậy, tôi cho rằng, vấn đề này là rất cần thiết. Vừa rồi Bộ Công an cùng với Bộ Quốc phòng trình báo cáo Chính phủ xây dựng một chương trình tổng thể quốc gia về phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Trong đó, chúng ta gắn liền việc phát triển kinh tế, xã hội với an ninh, quốc phòng. Hai vấn đề này phải luôn luôn song hành với nhau. Phát triển về kinh tế nhưng không được coi nhẹ quốc phòng và an ninh, nhất là trên các địa bàn chiến lược.         

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.                                                              

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lợi dụng vụ khủng bố ở Đắk Lắk để tuyên truyền chống phá Nhà nước
Lợi dụng vụ khủng bố ở Đắk Lắk để tuyên truyền chống phá Nhà nước

Trên Facebook cá nhân, P.V.L tham gia vào hội nhóm phản động, thường xuyên đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung xuyên tạc, nói xấu, chống đối.

Lợi dụng vụ khủng bố ở Đắk Lắk để tuyên truyền chống phá Nhà nước

Lợi dụng vụ khủng bố ở Đắk Lắk để tuyên truyền chống phá Nhà nước

Trên Facebook cá nhân, P.V.L tham gia vào hội nhóm phản động, thường xuyên đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung xuyên tạc, nói xấu, chống đối.

Bắt 3 đối tượng trực tiếp tham gia vụ khủng bố ở Đắk Lắk
Bắt 3 đối tượng trực tiếp tham gia vụ khủng bố ở Đắk Lắk

Tối 15/7, thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã bắt giữ 3 đối tượng trốn lệnh truy nã trong vụ khủng bố vào trụ sở UBND 2 xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin.

Bắt 3 đối tượng trực tiếp tham gia vụ khủng bố ở Đắk Lắk

Bắt 3 đối tượng trực tiếp tham gia vụ khủng bố ở Đắk Lắk

Tối 15/7, thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã bắt giữ 3 đối tượng trốn lệnh truy nã trong vụ khủng bố vào trụ sở UBND 2 xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin.

Nhóm đối tượng tấn công tại tỉnh Đắk Lắk hoạt động khủng bố có tổ chức
Nhóm đối tượng tấn công tại tỉnh Đắk Lắk hoạt động khủng bố có tổ chức

VOV.VN - Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa - Bộ Công an cho biết, hoạt động của nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023 là hoạt động khủng bố có tổ chức.

Nhóm đối tượng tấn công tại tỉnh Đắk Lắk hoạt động khủng bố có tổ chức

Nhóm đối tượng tấn công tại tỉnh Đắk Lắk hoạt động khủng bố có tổ chức

VOV.VN - Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa - Bộ Công an cho biết, hoạt động của nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023 là hoạt động khủng bố có tổ chức.