Khuyến khích đầu tư, tạo bứt phá trong hợp tác Việt Nam-Bờ Biển Ngà
VOV.VN - Việt Nam và Bờ Biển Ngà cho rằng, cần khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư để tạo bứt phá trong hợp tác kinh tế giữa 2 nước.
Ngày 18/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bờ Biển Ngà Marcel Amon Tanoh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Bờ Biển Ngà Marcel Amon Tanoh. |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Bờ Biển Ngà; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Bờ Biển Ngà, đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi. Bộ trưởng Ngoại giao Marcel Amon Tanoh bày tỏ vui mừng lần đầu tiên sang thăm chính thức Việt Nam, chúc mừng Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kì 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục.
Hai bên nhất trí các biện pháp cụ thể cần triển khai để tiếp tục đưa hợp tác song phương đi vào chiều sâu và khai thác tối đa lợi thế của hai nước. Trong thời gian tới, hai nước sẽ tăng cường trao đổi đoàn các cấp trên nhiều kênh Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân. Hai bên ghi nhận kim ngạch thương mại giữa hai nước đang tăng nhanh, đều trong 5 năm qua, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD năm 2018, và cho rằng cần khuyến khích hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư để tạo bứt phá trong hợp tác kinh tế.
Toàn cảnh cuộc hội đàm. |
Bộ trưởng Marcel Amon Tanoh bày tỏ mong muốn Việt Nam giúp đỡ Bờ Biển Ngà trong các lĩnh vực nông nghiệp, viễn thông, giáo dục - đào tạo,…; hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư kinh doanh tại Bờ Biển Ngà. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm ơn Chính phủ Bờ Biển Ngà đã tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt (hơn 300 người) sinh sống và làm ăn ở nước này, góp phần làm cầu nối quan trọng cho hoạt động trao đổi kinh tế giữa hai nước.
Hai bên thống nhất sớm đàm phán, ký kết các văn bản để tạo khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động như Hiệp định khung hợp tác, Hiệp định thương mại, Hiệp định Khuyến khích & Bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần….
Hai bên cũng thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; khẳng định chia sẻ việc đề cao hợp tác đa phương, ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; cam kết tiếp tục tăng cường trao đổi, phối hợp tốt tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Pháp ngữ...
Trong thời gian ở Việt Nam, Bộ trưởng Marcel Amon Tanoh sẽ thăm một số tập đoàn và cơ sở kinh tế, văn hóa./.