Kỷ luật cán bộ vụ Trịnh Xuân Thanh: Bài học cho người làm tổ chức
VOV.VN -Về vụ Trịnh Xuân Thanh, chúng ta đã tiến hành kỷ luật hàng loạt cán bộ. Bài học lớn của những người làm công tác tổ chức là phải rất trong sáng, công tâm.
"Chúng ta phải rà soát lại toàn bộ quy trình để không chọn nhầm người mà ông Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ điển hình trong quy trình ấy". Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV về việc xử lý kỷ luật một số cán bộ cao cấp liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh.
PV: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa xem xét, xử lý và đề nghị thi hành kỷ luật một số cán bộ cao cấp trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh. Ông đánh giá như thế nào về quyết tâm của Đảng ta trong việc chỉnh đốn Đảng qua quyết định này?
TS.Nguyễn Quốc Dũng: Trước hết, tôi đồng tình và hoan nghênh Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thẩm tra, kết luận và xử lý những cá nhân liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng trả lời phỏng vấn phóng viên VOV. |
Tôi thấy rằng, công việc này đáp ứng sự mong mỏi của các đảng viên và quần chúng nhân dân.
Là một người công tác ở ĐBSCL, sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, về sự việc của ông Trịnh Xuân Thanh, chúng tôi cũng rất đau lòng.
Việc Đảng ta tiến hành kiểm tra, đánh giá và kỷ luật những người liên quan, đó là một trong những bản án nghiêm khắc trong tình hình hiện nay. Chúng tôi đánh giá cao quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
PV: Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Minh Chắc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy trình, quy định về công tác cán bộ. Ông Trần Lưu Hải - nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương thiếu trách nhiệm khi ký cho Hậu Giang được tăng thêm 1 Phó Chủ tịch, trái với kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Hình thức kỷ luật này đã đủ sức răn đe đối với cán bộ cao cấp khác chưa, thưa ông?
TS.Nguyễn Quốc Dũng: Ông Huỳnh Minh Chắc là một trong những lãnh đạo năng động của tỉnh Hậu Giang.
Tỉnh Hậu Giang có sự phát triển, không thể không nói đến những cống hiến của đồng chí. Về phía ưu điểm của đồng chí, tôi thấy như thế.
Tuy nhiên, với vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Huỳnh Minh Chắc đã có sai sót với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy thời kỳ đó.
Việc ra quyết định cảnh cáo ông Huỳnh Minh Chắc về mặt Đảng như vậy là rất nghiêm khắc.
Đây là trách nhiệm của người đứng đầu của tỉnh trong vụ Trịnh Xuân Thanh. Nếu chúng ta quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII thì việc xử lý và kiểm điểm như vậy là hoàn toàn đúng, đủ sức răng đe trong tình hình hiện nay.
Có thể nói, người "gác" cổng, người quyết định vụ việc Trịnh Xuân Thanh là Ban Tổ chức Trung ương.
Vì vậy, Đảng ta kỷ luật ông Trần Lưu Hải là đúng đắn vì trách nhiệm đó đầu tiên thuộc về Ban Tổ chức Trung ương.
Tỉnh Hậu Giang dù muốn xin đi nữa nhưng Ban Tổ chức Trung ương không đồng ý thì cũng không thực hiện được.
Và Ban Tổ chức Trung ương không thể không biết về lý lịch, quá khứ của Trịnh Xuân Thanh.
Việc kỷ luật ông Trần Lưu Hải với tư cách là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương là đúng đắn của Đảng ta trong tình hình hiện nay.
PV: Nếu chúng ta thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, đó là đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan thì việc thi hành kỷ luật như vậy đã thoả đáng chưa, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Dũng: Phải nói rằng, dù không phải là người trực tiếp, nhưng người đứng đầu cơ quan phải là người chịu trách nhiệm chính.
Việc xử lý ông Trần Lưu Hải, một trong những người lãnh đạo cao nhất cũng là quyết định đúng đắn của Đảng ta trong tình hình hiện nay.
Nếu chúng ta thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan thì người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm.
Hiện nay, Đảng ta yêu cầu rất cao về người đứng đầu cơ quan. Nhưng phải nói rằng, quyền lực của người đứng đầu cơ quan chưa tương xứng.
Có những cán bộ thuộc quyền cấp trên, tập thể quyết định, chứ không phải người đứng đầu cơ quan quyết.
Do đó, khi giao người đứng đầu cơ quan là người chịu trách nhiệm cuối cùng thì cũng phải thiết kế một cơ chế quyền lực để người đứng đầu cơ quan đủ sức điều hành công việc và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước. Cái này phải sòng phẳng.
Vì vậy, nếu tiến hành kỷ luật anh đứng đầu cơ quan, đôi khi, vẫn chưa thỏa đáng, không làm cho người ta “tâm phục, khẩu phục”.
Thừa nhận người đứng đầu cơ quan là người chịu trách nhiệm cuối cùng thì quyền lực ấy phải đảm bảo cho người ta đủ quyền để làm. Tôi hoàn toàn không biện minh cho người đứng đầu cơ quan.
PV: Qua vụ việc Trịnh Xuân Thanh, rõ ràng, công tác đánh giá cán bộ còn có những bất cập, dẫn đến kết quả đánh giá không phản ánh thực chất nên việc bố trí, sử dụng cán bộ có những sai sót nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, tạo dư luận xấu trong xã hội. Theo ông, cần làm gì để không tái diễn sự việc đáng tiếc này?
TS. Nguyễn Quốc Dũng: Về vụ Trịnh Xuân Thanh, chúng ta đã tiến hành kỷ luật hàng loạt cán bộ. Bài học lớn của những người làm công tác tổ chức là phải rất trong sáng, công tâm.
Cùng với đó, chúng ta phải rà soát lại toàn bộ quy trình để không chọn nhầm người mà Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ điển hình trong quy trình ấy.
Việc điều chuyển cán bộ là cần thiết nhưng phải lựa chọn thật kỹ. Trước khi cân nhắc cán bộ, phải xem xét kỹ hồ sơ cán bộ, đánh giá rất công tâm về cán bộ.
Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, chỉ có điều là sự phân công trách nhiệm phải rành mạch giữa các quyền và cơ chế kiểm soát quyền lực; phải luật hóa các hoạt động của Đảng trên nguyên tắc Đảng không đứng ngoài pháp luật.
Đẩy mạnh đấu tranh trong nội bộ Đảng, trong chi bộ, Đảng bộ. Bản thân Trịnh Xuân Thanh, nếu theo Điều lệ 19 điều đảng viên không được làm, thì đã vi phạm ngay từ đầu nhưng vẫn lọt vào.
Mục đích cuối cùng của Đảng là vì nhân dân, cho nên nhân dân kiểm soát hoạt động của Đảng là chuyện bình thường, vì vậy, cần tổ chức cho thật tốt hoạt động này.
Trân trọng cảm ơn ông./.