“Làm điện hạt nhân, Việt Nam không phải bắt đầu từ con số 0”

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội tin rằng, với cơ chế chính sách đặc thù khi được Quốc hội thông qua, việc thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm là khả thi, vì “Việt Nam không phải bắt đầu từ con số 0”.

Sáng nay 17/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

“Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế thực hiện dự án”

Phát biểu trên hội trường, Đại biểu Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhận định, việc khởi động lại dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là cơ hội, vinh dự lớn của tỉnh để trở thành trung tâm năng lượng sạch cả nước.

Theo ông, hơn 15 năm qua, Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế về triển khai thực hiện dự án. Trong thời gian đó, khoảng 1.300 hộ dân vùng lõi dự án cần di dời và nhân dân sẵn sàng bàn giao nhà, đất với mong muốn dự án sẽ được triển khai nhanh hơn.

“Nhân dân vùng dự án chỉ có nguyện vọng là nơi ở mới của bà con phải tốt hơn cũ, đời sống phải thật ổn định, ấm no, hạnh phúc”, ông Trương Quốc Nam chia sẻ.

Chính phủ giao tỉnh Ninh Thuận trong năm 2025 phải thực hiện xong giải phóng mặt bằng, di dời và tái định cư cho người dân vùng dự án, tức là chỉ còn khoảng 10 tháng nữa để thực hiện việc này.

Thời gian qua, tỉnh đã tiến hành nhiều công việc với tinh thần xuyên suốt là việc làm được thì làm ngay, không chờ đợi. Các công việc của tỉnh, chủ đầu tư, bộ ngành được triển khai với tinh thần quyết tâm, quyết liệt để chậm nhất tới 31/12/2031 vận hành nhà máy số 1.

Tại dự thảo nghị quyết xin ý kiến Quốc hội lần này, Chính phủ đề xuất 7 chính sách đặc thù. Ông Trương Quốc Nam cho hay, tỉnh đề xuất được bổ sung thêm 5 chính sách, cơ chế nữa, nhất là giải phóng mặt bằng, di dời, bồi thường và hỗ trợ người dân vùng dự án để làm dự án.

Bởi, giải phóng mặt bằng thường là khâu khó, mất nhiều thời gian, nếu thực hiện theo đúng quy định của luật thì chắc chắn một năm không thể hoàn thành.

“Dự án này cũng là điển hình thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá KHCN, đổi mới sáng tạo. Ninh Thuận và nhân dân vùng dự án sẽ hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ dự án, vì mục tiêu Ninh Thuận vì cả nước, cả nước hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này để đất nước phồn vinh , hạnh phúc”, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận bày tỏ.

“Việt Nam không phải bắt đầu từ con số 0”

Phát biểu về nội dung này, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) thông tin, hiện có 431 nhà máy điện hạt nhân vận hành tại 32 quốc gia, 8 quốc gia làm chủ công nghệ mới, công suất lớn với tính năng vượt trội, an toàn như Nga, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Canada.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đầu tiên của Việt Nam và với tiến độ đặt ra, đại biểu cho rằng, cần chính sách đặc thù mới hoàn thành. Hợp đồng “chìa khóa trao tay” là phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng lựa chọn hình thức này cho nhà máy đầu tiên của họ.

Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn với đối tác đủ năng lực vận hành, bảo dưỡng trong 5 năm kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng, theo bà là phù hợp để bảo dưỡng nhà máy liên tục trong trường hợp hết hợp đồng “chìa khóa trao tay”. Nhưng về lâu dài, chủ đầu tư cần kế hoạch chuẩn bị năng lực, kỹ thuật thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, chương trình đào tạo với đối tác cung cấp công nghệ nhà máy cho Việt Nam.

Về an toàn, an ninh hạt nhân, đại biểu Tú Anh cho rằng theo thông lệ các nhà cung cấp đều tuân thủ nguyên tắc của IAEA. Với thiết kế liên quan đặc điểm địa hình, khí hậu theo điều kiện Việt Nam, nữ đại biểu cho rằng cần được phê duyệt theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn của Việt Nam, có thể thẩm định theo quy trình rút gọn.

“Việt Nam lần đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng không phải bắt đầu từ con số 0”, bà Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh và lấy ví dụ có thể kế thừa kinh nghiệm từ lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Đại biểu đề xuất trước tiên cần xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý để làm căn cứ quan trọng ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong hướng dẫn đảm bảo an ninh an toàn hạt nhân như thiết kế, xây dựng, chế tạo, vận hành thử, vận hành chính thức, tháo dỡ nhà máy…

Bên cạnh đó là phát triển nhân lực và đào tạo vì nhu cầu cho nhà máy 2 tổ máy, theo hướng dẫn của IAEA là 1.200 người/nhà máy ở tất cả các khâu. Cùng với đó, cần làm tốt công tác truyền thông, đảm bảo người dân vùng dự án có đời sống tốt hơn khi di dời.

Đại biểu tin rằng, với cơ chế chính sách đặc thù khi được Quốc hội thông qua, việc thi công xây dựng và vận hành điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm là khả thi.

Không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, chủ quan

Phát biểu giải trình ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu hoàn thành dự án trong giai đoạn 2030-2031, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới thì rất cấp thiết phải sớm có các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Vì vậy, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ngay tại kỳ họp này “để làm cơ sở triển khai thực hiện, tận dụng các điều kiện thuận lợi, tinh thần và khí thế tiến công, vượt khó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công việc quan trọng ban đầu của dự án”.

Với tinh thần cầu thị, khẩn trương, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, chủ quan, sau phiên thảo luận hôm nay, các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.

“Trong quá trình triển khai dự án, nếu phát sinh các vấn đề mới hoặc phải sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Thủ tướng yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện so với mục tiêu, kế hoạch trước đây. Phấn đấu đến 30/12/2030 phải hoàn thành, chậm nhất 30/12/2031 phải xong.

Thủ tướng yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Thủ tướng yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện so với mục tiêu, kế hoạch trước đây. Phấn đấu đến 30/12/2030 phải hoàn thành, chậm nhất 30/12/2031 phải xong.

Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

VOV.VN - Chiều nay 5/12, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã đi kiểm tra địa điểm quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam).

Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

VOV.VN - Chiều nay 5/12, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã đi kiểm tra địa điểm quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam).