Lựa chọn cán bộ - Khâu quyết định sự tồn vong

Cán bộ nào phong trào ấy. Chính vì thế, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã luôn luôn coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Mấy ngày qua, người dân sôi nổi, hào hứng trước quyết nghị của Hội nghị lần thứ 11 của Đảng bàn về vấn đề nhân sự chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.

Mỗi kỳ Đại hội Đảng toàn quốc thường có hai nội dung quan trọng nhất là bàn về đường lối và công tác nhân sự.

Đường lối phát triển đất nước là vấn đề lớn nhất, hệ trọng nhất. Song lại là vấn đề nhất quán, xuyên suốt được xác định bằng sự nghiệp đổi mới đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986). Qua 5 kỳ đại hội, đến nay với tầm nhìn đi từng chặng đến năm 2020-2030 và đến năm 2050.

Bế mạc Hội lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đó là đường lối đúng đắn, vĩ đại, đưa một dân tộc đầy thương tích từ chiến tranh, ấu trĩ của một thời tự lập, bước tới con đường khai mở cho một quốc gia hưng thịnh. Đó là thuận lợi căn bản nhất, dẫu trước mắt con đường cách mạng còn trải qua nhiều chông gai, thử thách.

Điều người dân quan tâm nhất, mong đợi nhất chính là tư tưởng đổi mới của công tác cán bộ.

Nhiều người bày tỏ sự đồng tình, tâm huyết với phần nội dung công tác nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương thảo luận kỹ và thông qua phương hướng lựa chọn cán bộ vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII. Đó là tiêu chuẩn với 3 tiêu chí rõ ràng: Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng; có trí tuệ và tầm nhìn chiến lược.

Điều đó là hoàn toàn chính xác, là quá ư hệ trọng. Bởi mấy trăm đồng chí được lựa chọn vào Trung ương là đại diện cho đạo đức, trí tuệ và phong cách của 90 triệu người dân Việt Nam hôm nay.

Thời điểm lịch sử nào cũng vậy, vai trò của cán bộ quyết định hết thảy. Đất nước giành thắng lợi vĩ đại trong chiến tranh giải phóng; đất nước gặp khó khăn thời kỳ bao cấp; đất nước tìm ra con đường đổi mới, mở cửa với bước đi kỳ diệu hôm nay. Những cái “mốc” ấy đều là thước đo tầm vóc đạo đức và trí tuệ của đội ngũ cán bộ chủ chốt một thời. Cán bộ nào phong trào ấy. Chính vì thế, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã luôn luôn coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là then chốt của mọi then chốt.

Vận mệnh của dân tộc cả thời chiến tranh cũng như thời bình luôn phải đương đầu với những thử thách vô cùng khắc nghiệt mà ít dân tộc nào vấp phải. Chính môi trường đó đã sản sinh và rèn luyện ra một đội ngũ cán bộ chủ trì kế tiếp nhau vào sinh ra tử, tận tâm, tận lực cống hiến vì nước, vì dân. Tìm ra bước đi đổi mới năm 1986 cũng từ đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của đất nước đau nỗi đau của người dân kiệt quệ, lóe sáng niềm tin từ sự vật vã, sáng tạo của quần chúng để tìm được con đường đưa đất nước thoát khỏi họa suy vong. Chỉ tính riêng thời kỳ đầu đổi mới, đang chập chững những bước tìm tòi, thử nghiệm đầu tiên, thì thành trì Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Không có đội ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy và tầm nhìn chiến lược thì khó tránh khỏi đất nước rơi vào cảnh tương tàn.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, rèn luyện cán bộ là vấn đề cốt tử của cách mạng, Đảng ta luôn luôn coi vấn đề quan trọng hàng đầu là rèn luyện đạo đức cách mạng, coi hành động nêu gương của cán bộ là “mệnh lệnh không lời”. Bác Hồ từng nói: “Đạo đức cách mạng là:

Nhận rõ phải trái, giữ vững lập trường.

Tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Mọi việc thành hay bại chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không” (1).

Ở bất cứ thời điểm nào, cán bộ, đảng viên các cấp mà nêu gương gần dân, tôn trọng, học hỏi và lắng nghe ý kiến của dân, được dân tin yêu, quý trọng thì thử thách, hy sinh người dân không sợ; gian khổ, thiếu thốn người dân không quản; bởi Đảng với dân gắn bó keo sơn thành một khối. Ngược lại, thời điểm nào mà dân tình bức xúc, dư luận xì xèo, thì dù kinh tế có cải thiện nhưng lòng dân vẫn thật sự chưa yên. Đó chính là thời điểm khi tham nhũng trở thành quốc nạn mà Đảng ta đã nhận ra, nhưng vũ khí đấu tranh tự phê bình và phê bình còn hình thức, kém hiệu quả. Điểm yếu và cũng là khuyết điểm lớn nhất của công tác xây dựng Đảng trong đấu tranh phê bình đương nhiên phải là trách nhiệm lớn nhất của Ban Chấp hành Trung ương và của từng đồng chí Trung ương Ủy viên.

Tệ tham nhũng rất dễ làm suy kiệt nền kinh tế đất nước, làm phương hại thanh danh của Đảng và làm xói mòn lòng tin của dân. Tuy nhiên, số đông đảng viên là cán bộ cao cấp vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, tận tụy, nêu gương. Có thế, đất nước mới trụ vững và tiếp tục phát triển như hôm nay. Họ vẫn là tấm gương tỏa rạng, để hằng ngày quần chúng nhìn vào mà nguôi đi nỗi bức xúc trước tệ nạn tiêu cực, tham nhũng. Ai đã có dịp đến nhà đồng chí cố Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, những năm cuối đời một cán bộ cách mạng tận tụy; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Khu ủy Khu 6 thời kỳ chống Mỹ, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chứng kiến căn nhà nhỏ hẹp, trang bị tuềnh toàng và cuộc sống vô cùng đạm bạc của đồng chí sẽ không khỏi ứa nước mắt mà kính trọng một con người nhiệt tâm, chỉ biết hy sinh và cống hiến. Đất nước sẽ mãi trường tồn, bởi trong Đảng cả người về hưu và người đương chức, còn vô vàn tấm gương như thế.

Lại xin nói thêm về tiêu chuẩn tư duy và tầm nhìn chiến lược khi lựa chọn cán bộ và Trung ương khóa tới. Đúng là thực tế, trong cán bộ cao cấp của Đảng trải qua nhiều khóa từ đổi mới (1986) đến nay đã có nhiều đồng chí được dư luận xã hội ghi nhận là có đạo đức trong sáng, tận tụy nêu gương, có nhiều công lao trong đấu tranh cách mạng. Song, vẫn còn có đồng chí bộc lộ năng lực hạn chế, tư duy chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, do đó đóng góp vào tư duy chiến lược của Đảng rất hạn chế. Đó cũng là mặt hạn chế kéo dài của công tác cán bộ

và có sự nhầm lẫn giữa sự đãi ngộ và công tác sử dụng. Đất nước đổi mới, thay đổi từng ngày với sự phát triển tới chóng mặt của khoa học kỹ thuật tác động trực tiếp đến tư duy nhạy cảm, sáng tạo của cán bộ lãnh đạo. Vì vậy, tại Đại hội Đảng lần thứ XII, chọn cán bộ có năng lực, có tư duy và tầm nhìn chiến lược vào Ban Chấp hành Trung ương phải đặc biệt coi trọng. Tuy vậy, cũng cần thấy rõ, do đặc điểm của Đảng cầm quyền, đảng viên có chức, có quyền dễ nảy sinh tham vọng. Người xưa nói: Không có tai họa nào lớn bằng lòng tham vọng không biết dừng lại. Do đó, công tác lựa chọn cán bộ phải hết sức dựa vào quần chúng nhân dân. Bởi tai mắt của dân chính là “lưới trời lồng lộng”, không có một hành vi nào của cán bộ lãnh đạo mà lọt qua tai mắt của dân. Đấu tranh chống tham nhũng cũng vậy, vấn đề là “làm” đến đâu, chứ không phải là “biết” đến đâu.

Phẩm chất, đạo đức cao đẹp là con đường ngắn nhất dẫn tới vinh quang.

Người dân đầy lòng tin tưởng và mong rằng, Đại hội Đảng lần thứ XII sẽ lựa chọn được một tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, gồm những con người ưu tú, tiêu biểu cho phẩm chất cách mạng, đạo đức trong sáng và tư duy năng động của dân tộc Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử (2016-2021) đưa đất nước bước vào kỷ nguyên công nghiệp./.

(1) Hồ Chí Minh-Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 7, tr.480
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng Bí thư mong cử tri góp ý, phát hiện ai xứng đáng vào Trung ương
Tổng Bí thư mong cử tri góp ý, phát hiện ai xứng đáng vào Trung ương

VOV.VN -Tại buổi tiếp, cử tri bày tỏ sự hài lòng về khâu chuẩn bị quy chế, tiêu chuẩn nhân sự Đại hội XII của Đảng.

Tổng Bí thư mong cử tri góp ý, phát hiện ai xứng đáng vào Trung ương

Tổng Bí thư mong cử tri góp ý, phát hiện ai xứng đáng vào Trung ương

VOV.VN -Tại buổi tiếp, cử tri bày tỏ sự hài lòng về khâu chuẩn bị quy chế, tiêu chuẩn nhân sự Đại hội XII của Đảng.

Không để lọt vào BCH Trung ương những người xu nịnh, chạy chọt...
Không để lọt vào BCH Trung ương những người xu nịnh, chạy chọt...

VOV.VN - Đây là một nội dung đáng chú ý trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11.

Không để lọt vào BCH Trung ương những người xu nịnh, chạy chọt...

Không để lọt vào BCH Trung ương những người xu nịnh, chạy chọt...

VOV.VN - Đây là một nội dung đáng chú ý trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11.