Luật Đất đai sửa đổi “mạnh tay” với dự án “treo”
(VOV) -Với việc quy định điều kiện cụ thể, các dự án “treo” sẽ bị thu hồi nhanh chóng.
Đất “treo”, dân khổ
Quy hoạch “treo”, dự án “treo” đang thực sự là một vấn đề nhức nhối trong một lĩnh vực được xem là phức tạp là đất đai và chiếm đến 70% tổng số vụ khiếu kiện. Điều đáng nói ở chỗ, người dân nằm trong vùng quy hoạch “treo” phải chịu muôn vàn khó khăn, thậm chí thiệt thòi thì hàng nghìn hecta đất bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Số liệu từ Tổng cục Quản lý đất đai của Bộ Tài nguyên- Môi trường cho thấy, đến cuối năm 2012 cả nước có khoảng 1.200 dự án “treo” với trên 130.000ha đất bỏ hoang. Diện tích lớn trong tổng số này là đất nông nghiệp dẫn đến một thực trạng trớ trêu: Người nông dân có đất nằm trong quy hoạch ngày qua ngày nhìn những thửa ruộng hoang hóa, bạc màu trong khi họ thiếu đất sản xuất, thậm chí không còn đất sản xuất.
Hàng chục nghìn ha đất bị bỏ hoang hóa do dự án treo gây lãng phí lớn (Ảnh: Vnexpress) |
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song điều dễ nhận thấy là công tác quản lý, nghiên cứu lập quy hoạch còn yếu, vì có thời điểm các địa phương đua nhau lập khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ngoài ra, quy định pháp luật hiện hành còn kẻ hở. Điều đó lý giải vì sao có những dự án “treo” từ năm này qua năm khác, gây bức xúc trong nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Lập cho rằng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung quy định Nhà nước có chính sách đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất có đất nằm trong khu quy hoạch vì có những dự án kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của người dân.
“Quyền lợi nằm ở chỗ nào khi muốn sửa chữa nhà cửa cũng gặp nhiều khó khăn, có đất sản xuất mà không dám đầu tư nuôi trồng? Quy hoạch là điều cần thiết nhưng cứ “treo” như vậy người dân sẽ khổ. Người dân ủng hộ khi quy hoạch thực hiện thời gian hợp lý, chứ dự án “treo” đến hàng chục năm thì không ai là không bức xúc”, ông Lập nhấn mạnh.
Còn theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, đất đai là tài sản quan trọng, đặc biệt với người nghèo và nhóm yếu thế trong cộng đồng. Hậu quả của những dự án “treo”, quy hoạch “treo” không chỉ gây lãng phí mà còn khiến không ít gia đình có đất trong khu vực có dự án đó tái nghèo hoặc nghèo hơn. Do đó, tìm lời giải cho bài toán này là một yêu cầu bức thiết.
“Bịt” khe hở trong Luật Đất đai
Trước hệ lụy của các khu quy hoạch “treo”, dự án “treo”, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã mạnh dạn điều chỉnh, “xóa” nhiều dự án không khả thi hoặc chậm tiến độ quá lâu. Tuy nhiên, điều đó cũng không phải là điều dễ dàng khi những quy định còn lỏng lẻo. Chính vì vậy, những điểm mới được quy định trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 tới được hy vọng sẽ hóa giải tình trạng trên.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển: Các dự án "treo" kéo dài có nguyên nhân từ tổ chức thực hiện. |
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, dự thảo Luật sẽ quy định theo hướng: Các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà nguyên nhân không phải do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, khủng hoảng kinh tế, tài chính thì phải nộp thuế lũy tiến theo quy định của pháp luật. Sau 24 tháng nộp thuế lũy tiến theo quy định của pháp luật mà chủ đầu tư vẫn không đưa đất vào sử dụng hoặc vẫn chậm tiến độ so với yêu cầu thì Nhà nước thu hồi đất và không thanh toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Lê Trọng Sang cho rằng việc quy định mốc thời gian cụ thể theo hướng mà dự thảo sửa đổi đưa ra sẽ tránh được sự “lạm dụng” của cơ quan quản lý cũng như của nhà đầu tư và tạo hành lang pháp lý rõ ràng để “xử lý” dự án “treo”.
Ở góc độ khác, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh cho rằng, quy hoạch đất cần đưa ra yêu cầu bắt buộc lấy ý kiến người dân và đảm bảo sự đồng thuận của người dân khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định cụ thể về quy trình và biện pháp lấy ý kiến người dân; công bố công khai lộ trình, thời gian thực hiện dự án cũng như quyền theo dõi, phản hồi, phản ánh của người dân khi phát hiện sự sai lệch.
Theo đại biểu, quy trình minh bạch qua việc quy định cụ thể thời gian giữa các bước trong trình tự thủ tục quy hoạch và sử dụng quy hoạch sẽ góp phần hạn chế đất “treo”./.