“Mạnh giàu từ biển quê hương”- Khát vọng xây dựng quốc gia giàu từ biển
VOV.VN - Chương trình "Mạnh giàu từ biển quê hương" sẽ truyền đi thông điệp về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; khẳng định Việt Nam là quốc gia biển với khát vọng chinh phục biển, thịnh vượng từ biển và giữ gìn hòa bình trên biển.
Ngày 12/8 tới đây, du khách và người dân ở Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cũng như khán, thính giả trong cả nước sẽ được thưởng thức chương trình chính luận nghệ thuật mang tầm quốc gia “Mạnh giàu từ biển quê hương”.
Đến thời điểm này, chương trình đang gấp rút triển khai những khâu cuối cùng để gửi tới công chúng nhiều cung bậc cảm xúc, hứa hẹn mở ra một không gian biển đặc biệt - nơi gặp gỡ, giao lưu của những người con yêu biển, cùng khát vọng vươn khơi bám biển và góp phần xây dựng quốc gia mạnh giàu từ biển.
Chương trình “Mạnh giàu từ biển quê hương” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức. Nhà báo Nguyễn Vũ Duy, Trưởng Ban Thời sự (VOV1) Đài TNVN, Phó Trưởng ban thường trực, Ban Tổ chức Chương trình “Mạnh giàu từ biển quê hương” cho biết, chương trình sẽ diễn ra vào tối 12/8 tới, tại cầu cảng Học viện Hải quân.
Thông qua chương trình nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, phấn đấu đến năm 2030, thực hiện được mục tiêu như Nghị quyết 36 đã đề ra là “Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước”, kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước.
Chương trình còn truyền đi thông điệp về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; khẳng định Việt Nam là quốc gia biển với khát vọng chinh phục biển, thịnh vượng từ biển và giữ gìn hòa bình trên biển.
“Chương trình này cũng nhấn mạnh đến “Tâm thức biển” trong mỗi con người Việt Nam chúng ta, lan tỏa tâm thức đó bởi đây là giá trị đã được bồi đắp qua rất nhiều thế hệ, qua những câu chuyện trong lịch sử và qua các bước phát triển của ngành kinh tế biển, xây dựng Việt Nam là một quốc gia biển. Chúng tôi nghĩ rằng đây sẽ là chương trình rất là ý nghĩa và phù hợp để tuyên truyền về công tác biển đảo”, nhà báo Nguyễn Vũ Duy cho biết thêm.
Chương trình gồm 3 mạch cảm xúc chính với các chủ đề: “Tâm thức biển”; “Việt Nam hướng tới giàu từ biển”; “Việt Nam - Mạnh trên biển”, được thể hiện dưới hình thức giao lưu chính luận, đan xen là phần giao lưu khách mời với các phóng sự hiện trường sinh động.
Trong đó, nội dung phần “Tâm thức biển” làm nổi bật tinh thần yêu biển sâu sắc của người dân Việt Nam thông qua các câu chuyện kể, những tiết mục văn nghệ, hình ảnh, phóng sự thực tế; những câu chuyện về những ngư dân vẫn ngày ngày ra khơi mang hy vọng về những chuyến biển đầy ắp cá tôm; về những chiến sĩ bộ đội biên phòng và các lực lượng trên biển cùng ngư dân kiên cường bám biển, yêu biển với niềm tự hào và sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc; về những kỹ sư yêu và sống gắn bó với biển, làm giàu cho đất nước.
Trong phần “Việt Nam hướng tới giàu từ biển” sẽ khái quát một bức tranh chung về kinh tế biển Việt Nam thông qua những câu chuyện gần gũi nhưng sâu sắc, ý nghĩa. Đó là câu chuyện về phát triển kinh tế xanh bền vững trên biển; về dịch chuyển năng lượng xanh; hay vấn đề phát triển du lịch xanh đã gặt hái được nhiều thành công.
Đến phần “Việt Nam - Mạnh trên biển”, khán giả sẽ được thưởng thức các phóng sự, tiết mục văn nghệ và phần giao lưu trò chuyện với chuyên gia để làm bật lên câu chuyện về hành trình xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam và hình ảnh những ngư dân bám biển trở thành phòng tuyến quan trọng để bảo vệ chủ quyền.
Ngoài ra, chương trình còn có phần kết hứa hẹn mang đến những cảm xúc, ấn tượng mạnh cho khán giả. Trong đó, có phóng sự “Những thế hệ chinh phục lòng biển” và màn hội ngộ trên sân khấu giữa những người lính của thế hệ trước và những chiến sĩ trẻ hôm nay.
Trên nền âm nhạc hào hùng, ánh sáng rực rỡ, chương trình sẽ khép lại cùng hình ảnh lá cờ Tổ quốc trên các tàu cá của ngư dân, lễ chào cờ trên các giàn khoan dầu khí, nhà giàn DK1, tàu hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, công an, hình ảnh các đảo, kiều bào về thăm biển đảo… Tất cả sẽ tạo nên một cảm xúc lắng đọng về tình yêu biển.
Anh Nguyễn Minh Quý, nhạc công chơi kèn Trompette chia sẻ: "Được tham gia biểu diễn trong chương trình biển đảo quê hương tôi luôn cảm thấy vô cùng vinh dự và rất tự hào. Đây cũng là cơ hội để tôi cống hiến tốt nhất để khả năng của mình cho nghệ thuật".
Chương trình “Mạnh giàu từ biển quê hương” được chuẩn bị công phu, nhằm nêu bật tầm quan trọng của kinh tế biển đảo. Có thể khẳng định, từ tầm nhìn về kinh tế biển, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 36, kinh tế biển đã đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng đất nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế biển hiện góp 50% GDP của cả nước, trong đó đóng góp chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải.
Chương trình nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương” sẽ khái quát được toàn bộ quá trình thực hiện Nghị quyết 36. Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: “Để biến tiềm năng, lợi thế thành giá trị thật, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực, từ việc thu hút đầu tư các khu đô thị ven biển, hình thành quy hoạch, tập trung kêu gọi đầu tư các cảng biển nước sâu gắn với logistics kết nối với các địa phương vùng Tây Nguyên, các tỉnh bạn trong cả nước. Quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản để không xung đột với ngành nghề kinh tế biển khác; Đang thí điểm đề án nuôi biển công nghệ cao. Tỉnh Khánh Hòa đang được các bộ, ngành Trung ương giúp đỡ xây dựng đề án Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương để có tầm nhìn dài hạn hơn".
Thực hiện chiến lược biển, đất nước đang đứng trước vận hội lớn với lợi thế và tiềm năng to lớn về khai thác dầu khí, phát triển du lịch, hàng hải, cảng biển, logistic, đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản, phát triển các nguồn năng lượng mới… Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: "Kinh tế biển có một ý nghĩa và vị trí vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của vùng, cả về kinh tế xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chính vì vậy, những nội hàm kinh tế biển phải là một vùng phát triển dựa trên những nguồn lợi từ kinh tế biển, mạnh lên về biển, giàu lên vì biển, đặc biệt là khai thác và phát huy các tiềm năng kinh tế biển phải gắn liền với tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống các hành lang kinh tế để chúng ta có các khu kinh tế ven biển thật sự phát triển và đóng góp được vai trò của mình".
Có thể thấy, chiến lược biển đã cơ bản mở ra hướng mới, những tiềm năng, thế mạnh mới, khẳng định, Việt Nam là một quốc gia biển mạnh với những tầm nhìn chiến lược, tư duy hướng biển và kinh tế biển, giữ được vùng biển hòa bình và hợp tác quốc tế, khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết 36, nỗ lực làm giàu từ biển, đóng góp chung vào sự phát triển của kinh tế đất nước.