Mít tinh kỷ niệm 49 năm giải phóng quần đảo Trường Sa
VOV.VN - Cách đây 49 năm, trong không khí hào hùng tiến về Sài Gòn, với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, các chiến sỹ quân chủng Hải quân đã tranh thủ thời cơ, bất ngờ tấn công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, quân và dân thị trấn Trường Sa luôn quyết tâm bảo vệ quần đảo Trường Sa, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”. Thay mặt cho quân và dân thị trấn Trường Sa, ông Phạm Tiến Điệp, Chủ tịch HĐND thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, đã khẳng định như vậy tại lễ mít tinh kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975-29/4/2024).
Tham dự lễ kỷ niệm có Chuẩn Đô đốc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân Phạm Văn Luyện; ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cùng các đoàn đại biểu trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, quân và dân thị trấn Trường Sa.
Mở đầu lễ kỷ niệm, trong không khí thiêng liêng xúc động, quân và dân thị trấn Trường Sa, các đại biểu và kiều bào ta ở nước ngoài đã thực hiện nghi lễ chào cờ.
Cách đây 49 năm, trong không khí hào hùng tiến về Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, các chiến sỹ quân chủng Hải quân đã tranh thủ thời cơ, bất ngờ tấn công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Rạng sáng ngày 14/4/1975, quân chủng Hải quân đã bí mật đổ bộ lên đảo Song Tử Tây.
Sau 30 phúp chiến đấu, đến 4h30' ngày 14/4/1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây. Tiếp đó, trong tháng 4/1975, hải quân nhân dân Việt Nam đã lần lượt giải phỏng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và đến 9h ngày 29/4/1975 giải phỏng đảo Trường Sa.
Giải phóng quần đảo Trường Sa đã thể hiện rõ ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, của bộ đội hải quân nói riêng; góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc- giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng với âm mưu độc chiếm Biển Đông, vào cuối những năm 1987 đầu những năm 1988, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng quân sự chiếm đóng một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, gây nên sự kiện ngày 14/3/1988 ở đảo Gạc Ma, đảo Cô Lin và đảo Len Đao. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân, với đối sách kiên quyết và tinh thần cảnh giác, các cán bộ chiến sỹ trên đảo đã kiên quyết bám trụ, chiến đấu anh dũng, kịp thời ngăn chặn không cho Trung Quốc thực hiện ý đồ thôn tính Trường Sa độc chiếm Biển Đông.
Trong những trận chiến đấu ngoan cường đó, 64 cán bộ chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ bình yên cho quân đào Trường Sa. Sự hy sinh cao quý đó đã tô thắm thêm truyền thống của Đoàn Trường Sa anh hùng, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho quân và dân huyện đảo.
Từ ngày được giải phóng, diện mạo của thị trấn Trường Sa thay đổi từng ngày. Nhiều công trình nhà ở, trường học, bệnh xá, trạm khí tượng thủy văn đã được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân huyện đảo và ngư dân các địa phương làm ăn phát triển kinh tế biển, kết hợp an ninh với quốc phòng; góp phần cùng quân và dân huyện đảo nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Phạm Tiến Điệp, Chủ tịch HĐND thị trấn Trường Sa nêu rõ: “Thị trấn Trường Sa lớn mạnh và trưởng thành như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh vùng 4 và sự giúp đỡ chí tình của các đoàn thể địa phương, sự đùm bọc sẻ chia của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài; sự phấn đầu bền bỉ, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách của quân và dân trên đảo Trường Sa. Trong buổi lễ trọng thể này, chúng ta kính cẩn tưởng nhớ và tri ân công ơn các Anh hùng Liệt sỹ, những người con kiên trung, dũng cảm của đất mẹ Việt Nam đã anh dũng chiến đấu hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam; vì sự trường tồn vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt Đoàn công tác số 11 và các kiều bào ta ở nước ngoài, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài khẳng định: Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa luôn nằm trong trái tim mỗi người con đất Việt, đặc biệt là đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài luôn thấu hiểu và sẽ luôn đồng hành cùng người dân cả nước bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, trong đó có chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Chị Trần Thị Chang, một kiều bào ta tại Malaysia tham dự lễ mít tinh cho biết: "Chúng tôi rất xúc động và tự hào. Là những người con đất Việt đi xa quê hương, xa đất nước nhưng chúng tôi luôn hướng về đất nước, luôn hướng về quần đảo Trường Sa".
Trong khuôn khổ lễ mít tinh, quân và dân thị trấn Trường Sa đã tiến hành diễu binh, diễu hành biểu dương lực lượng, khẳng định quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa.