Mít tinh tại Mexico phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan
VOV.VN - Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico - Việt Nam đã ra Tuyên bố phản đối sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Chính phủ nước Trung Quốc.
Ngày 25/6/2014, Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico - Việt Nam đã tổ chức cuộc mít tinh trước trụ sở Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Mexico để phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ban lãnh đạo và khoảng 100 thành viên của Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico - Việt Nam cùng 8 cơ quan truyền thông và một số tổ chức chính trị - xã hội của Mexico đã tham gia cuộc mít tinh, phất cao quốc kỳ hai nước Việt Nam và Mexico, giương hàng chục biểu ngữ với nội dung đòi Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, rút ngay giàn khoan và tàu bè hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ hòa bình và công lý.
Tại cuộc mít tinh, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Virgilio Caballero, nguyên Hạ nghị sĩ Liên bang Félix Castellanos, Chủ tịch danh dự Viện Hữu nghị và hợp tác Mexco – Việt Nam đọc bản “Tuyên bố của Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico - Việt Nam trước hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, tố cáo Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 từ ngày 2/5/2014, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, triển khai và duy trì lượng tàu lớn, trong đó có nhiều tàu và máy bay quân sự ở vùng biển này, ngăn cản và tấn công các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam nhằm bảo vệ hành động trái phép trên, nghiêm trọng hơn là còn đâm chìm một tàu đánh cá có 10 ngư dân Việt Nam vào ngày 26/5/2014 vừa qua.
Tuyên bố có đoạn viết: “Các hành động trên cũng đã vi phạm nghiêm trọng Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản trong việc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển được ký kết giữa Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Việt Nam vào tháng 10/2011, đi ngược lại với Tuyên bố về Ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002, đồng thời, phớt lờ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; chúng tôi khẳng định lập trường đấu tranh vì hòa bình và sự tôn trọng vô điều kiện đối với chủ quyền của các dân tộc trên thế giới. Theo đó, chúng tôi kêu gọi các Nhà chức trách cao nhất của Trung Quốc tôn trọng các thỏa thuận đã ký kết với Việt Nam và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các thỏa thuận cam kết giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình; kêu gọi Chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí nói trên cùng toàn bộ tàu hộ tống đang triển khai trong vùng biển của Việt Nam, đồng thời chấm dứt các hành động đâm va tàu nhằm giảm căng thẳng ở khu vực và thúc đẩy bầu không khí hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia; đề nghị Chính phủ Mexico, đặc biệt là Bộ trưởng Ngoại giao José Antonio Meade, gửi Công hàm Ngoại giao tới Chính phủ Trung Quốc, nêu rõ các nguyên lý cơ bản, các công ước và thỏa thuận về hòa bình đã ký kết trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, cũng như các hiệp ước và hiệp định quốc tế tái khẳng định chủ quyền của các quốc gia; đề nghị Thượng viện Mexico gửi thông điệp tới các Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam với lời kêu gọi gìn giữ hòa bình tại khu vực này; kêu gọi toàn thể xã hội dân sự Mexico tham gia chiến dịch “Vì hòa bình và chủ quyền của Việt Nam” được Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico - Việt Nam phát động để chuyển thông điệp tới Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Sau cuộc mít tinh, Ban lãnh đạo Viện chuyển bản Tuyên bố trên cho Đại sứ quán Trung Quốc ở Mexico./.
TUYÊN BỐ
của Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico – Việt Nam trước sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Tháng 5 vừa qua, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã có một loạt hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam trên Biển Đông: từ ngày 2/5/2014, hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan dầu khí khổng lồ Hải Dương-981 và triển khai 136 tàu, bao gồm cả tàu hộ vệ tên lửa, tàu đổ bộ, máy bay và tàu chiến trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thậm chí đâm chìm tàu cá gồm 10 ngư dân Việt Nam ngày 26/5 vừa qua và may mắn là các ngư dân này đã được các lực lượng chức năng Việt Nam cứu hộ an toàn.
Các sự việc trên cũng đã vi phạm nghiêm trọng Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển được ký kết giữa Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Việt Nam tháng 10/2011, đi ngược lại với Tuyên bố về Ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với ASEAN năm 2002, đồng thời, phớt lờ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Các công dân Mexico, thành viên Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico - Việt Nam, chúng tôi khẳng định lập trường đấu tranh vì hòa bình và sự tôn trọng vô điều kiện đối với chủ quyền của các dân tộc trên thế giới. Theo đó, chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách cao nhất của Trung Quốc tôn trọng các thỏa thuận đã ký kết với Việt Nam và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các thỏa thuận cam kết giải quyết bất kỳ bất đồng nào theo phương thức hòa bình.
Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Trung quốc rút giàn khoan dầu khí nói trên cùng các tàu hộ tống đang triển khai trong vùng biển Việt Nam, đồng thời, chấm dứt các hành động đâm va tàu, nhằm giảm căng thẳng ở khu vực và thúc đẩy bầu không khí hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia.
Chúng tôi đề nghị Chính phủ Mexico, đặc biệt là Bộ trưởng Ngoại giao José Antonio Meade, gửi Công hàm Ngoại giao tới Chính phủ Trung Quốc, nêu rõ các nguyên lý cơ bản, các công ước và thỏa thuận về hòa bình đã ký kết trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, cũng như các hiệp ước và hiệp định quốc tế tái khẳng định chủ quyền của các quốc gia.
Chúng tôi đề nghị Thượng viện Mexico gửi thông điệp tới các Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam với lời kêu gọi gìn giữ chủ quyền và hòa bình tại khu vực này trên thế giới.
Chúng tôi kêu gọi toàn thể xã hội dân sự Mexico tham gia chiến dịch “Vì Hòa bình và Chủ quyền của Việt Nam” được Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico - Việt Nam tổ chức thông qua thư và các phương tiện thông tin điện tử để chuyển thông điệp này tới Chính phủ hai nước trong cuộc tranh chấp này.
Thành phố Mexico, ngày 25 tháng 6 năm 2014