Một bộ phận cán bộ chỉ "vo tròn", không dám làm, sợ trách nhiệm
VOV.VN - Theo ông Vũ Văn Phúc, trong thực tiễn có những cán bộ không dám làm, sợ trách nhiệm, họ chỉ “vo tròn”, dĩ hòa vi quý, lo đánh bóng mình, lấy lòng mọi người để kiếm phiếu bầu, chủ yếu họ lo “giữ ghế”.
Tại quy định 22, Ban chấp hành Trung ương yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện những nhân tố mới, tích cực để phát huy, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đây là sự thay đổi lớn về quan điểm cũng như tư duy trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật của Đảng.
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không chỉ là việc cán bộ quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao, mà còn thể hiện ở tinh thần dám đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, dám đứng lên phê phán, nhìn thẳng vào những khuyết điểm của bản thân, của tập thể, đồng nghiệp và của cấp trên.
Trong bối cảnh hiện nay, đây là công việc rất khó. Làm sao để ngày càng có nhiều cán bộ thực sự tâm huyết với nhiệm vụ được nhân dân tin tưởng trao quyền giao phó? Làm thế nào để khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung?
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản về vấn đề này.
PV: Trong mỗi thời kỳ lịch sử, ở mỗi địa phương đều có các tấm gương dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, như trường hợp ông Kim Ngọc – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, từ năm 1959, ông Kim Ngọc đã thực hiện chủ trương khoán hộ. Theo ông, động cơ nào đã khiến Bí thư Kim Ngọc dám đột phá như vậy?
Ông Vũ Văn Phúc: Trước thực tế lịch sử là làm ăn tập thể trong hợp tác xã kiểu cũ không hiệu quả, năng suất lao động thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc dám làm, dám chịu trách nhiệm khi ông cho thực hiện chủ trương khoán hộ với động cơ trong sáng vì lợi ích chung.
Khi thực hiện khoán hộ, ông Kim Ngọc muốn thay đổi cách thức tổ chức nông nghiệp gắn với lợi ích của người lao động để tăng năng suất lao động, để nâng cao đời sống nhân dân, dù ông biết việc làm của ông có thể bị kiểm điểm, bị kỷ luật.
PV: Trong câu chuyện của ông Kim Ngọc lúc bấy giờ có khá nhiều người ủng hộ khoán hộ, nhưng cũng không ít người lên tiếng phê phán là xa rời chủ nghĩa xã hội, đưa nông nghiệp trở lại con đường tư hữu hóa. Đầu năm 1968, Trung ương có ý kiến chỉ đạo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phải kiểm điểm về làm khoán hộ. Nhưng thực tiễn đã chứng minh và Đảng ta cũng đã có sự nhìn nhận, đánh giá lại, khoán hộ của ông Kim Ngọc đã góp phần thay đổi tư duy lý luận và kiểm nghiệm thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Đảng từng bước hoạch định chủ trương đổi mới, cơ chế quản lý trong nông nghiệp. Thưa ông Vũ Văn Phúc, suy nghĩ của ông như thế nào khi nhớ lại câu chuyện này?
Ông Vũ Văn Phúc: Thời điểm lúc bấy giờ rất nhiều người không ủng hộ việc thực hiện khoán hộ của Bí thư Kim Ngọc, một số người ủng hộ nhưng không dám nêu ý kiến của mình. Trước thời kỳ đổi mới ở nước ta, có quan niệm duy ý chí, chủ quan là quan hệ sản xuất mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Do đó, chúng ta suy nghĩ cứ thiết lập quan hệ sản xuất XHCN, quan hệ sản xuất sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Với tư duy đó, nước ta đã ồ ạt đưa nông dân vào làm ăn tập thể trong hợp tác xã, thậm chí là hợp tác xã bậc cao. Cho nên việc ông Kim Ngọc thực hiện khoán hộ lúc bấy giờ, nhiều người cho rằng, đây là việc làm trái chủ trương, đường lối của Đảng. Vì khi đó, ở miền Bắc chỉ có quan hệ sản xuất XHCN với 2 hình thức là quốc doanh và tập thể. Việc ông Kim Ngọc cho khoán hộ là trái với chủ trương đó. Và kết quả cuối cùng, ông Kim Ngọc đã bị kiểm điểm, bị kỷ luật. Thế nhưng, thực tiễn đã chứng minh khoán hộ của ông Kim Ngọc là đúng.
Đảng ta cũng đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học tổng kết thực tiễn khoán hộ. Trên cơ sở tổng kết khoán hộ đó, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm đến người lao động. Khoán 100 của Ban Bí thư được coi là điểm khởi đầu của sự nghiệp đổi mới ở nước ta.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, có những người tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung như Bí thư Kim Ngọc thì chúng ta mới có sự nghiệp đổi mới hơn 35 năm qua.
PV: Ông có suy nghĩ như thế nào về tâm lý sợ chịu trách nhiệm đang xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay?
Ông Vũ Văn Phúc: Trong thực tiễn có những bộ phận cán bộ không dám làm, sợ trách nhiệm, họ chỉ “vo tròn”, dĩ hòa vi quý, lo đánh bóng mình, lấy lòng mọi người để kiếm phiếu bầu, chủ yếu họ lo “giữ ghế”. Họ xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, chỉ lo lợi ích của bản thân, lo "giữ ghế" nên không dám hành động một cách quyết liệt vì dân, vì nước.
PV: Theo ông, cần làm gì để loại bỏ những cán bộ ỉ lại tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán và thậm chí có những người “mũ ni che tai”?
Ông Vũ Văn Phúc: Để loại bỏ những cán bộ không dám này, cần thực hiện theo tinh thần lãnh đạo Đảng đã nói: Ai nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm. Bên cạnh đó phải chọn đúng cán bộ. Nếu trót chọn sai cán bộ thì phải thay ngay và không chờ hết nhiệm kỳ mới thay. Còn những cán bộ nào cố tình gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm thì phải xử lý nghiêm, “không có vùng cấm” ,”không có ngoại lệ”.
PV: Bên cạnh việc loại bỏ những cán bộ ỉ lại, sợ trách nhiệm thì việc đồng hành, khuyến khích sự sáng tạo, không làm thui chột tư duy sáng tạo, đổi mới, hành động đột phá vì lợi ích chung của những cán bộ có bản lĩnh, trình độ, dám nghĩ, dám làm là rất quan trọng, thưa ông?
Ông Vũ Văn Phúc: Đúng như vậy. Tình hình thế giới và trong nước hiện nay diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải giải quyết ngay, khi pháp luật và quy định hiện hành chưa dự báo hết, chưa tính toán hết được, trong hoàn cảnh đó càng đòi hỏi cán bộ năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi Đảng cần có quy định khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chỉ khi nào Đảng có quy định như vậy thì cán bộ mới dám phát huy hết tinh thần năng động, sáng tạo, dám đổi mới để đất nước phát triển.
PV: Để đội ngũ cán bộ có khát vọng vươn lên, khát vọng đưa đất nước phát triển và để những cán bộ quản lý, lãnh đạo không phải tự mò mẫm, tự tìm đường đi, phân vân giữa mong manh ranh giới đúng – sai như thể đang đi trên dây không biết ngã lúc nào. Theo ông, cần có cơ chế như thế nào để vừa khuyến khích cán bộ, vừa bảo vệ được họ?
Ông Vũ Văn Phúc: Ở đây có 2 vế, một là vừa khuyến khích phát huy nhưng vừa bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đảng cần có quy định về vấn đề này và Nhà nước phải thể chế hóa bằng pháp luật.
Ví dụ, khi cán bộ có ý tưởng đổi mới sáng tạo thì báo cáo với cấp ủy và thủ trưởng quản lý trực tiếp. Cấp ủy, thủ trưởng trực tiếp phải động viên, khuyến khích, tạo điều kiện về mọi mặt để cán bộ triển khai ngay ý tưởng để chớp thời cơ, vận hội mà xử lý công việc trong thực tiễn.
Cấp ủy và thủ trưởng không nên gây cản trở khó khăn, không sợ người khác đổi mới sáng tạo rồi hơn mình. Và trong quá trình thực hiện có thể cán bộ gặp vướng mắc thì cấp ủy, thủ trưởng cùng tháo gỡ khó khăn. Khi thực hiện, nếu thành công thì phải khen thưởng thích đáng; trong trường hợp thực hiện không thành công vì lý do khách quan thì phải có cơ chế, thể chế để bảo vệ cán bộ.
Như hiện nay chúng ta đang nghiên cứu vaccine phòng, chống Covid-19, không phải nghiên cứu nào cũng thành công. Vì lý do khách quan, nghiên cứu không thành công mà chúng ta đòi lại kinh phí đã đầu tư thì cán bộ không thể trả lại kinh phí đó được. Về tinh thần, không xem xét kỷ luật cán bộ nếu như không thành công, thậm chí phải bảo vệ tính mạng của cán bộ và gia đình của họ trong điều kiện nào đó nếu họ bị đe dọa.
PV: Trên thực tế cũng không ít cán bộ mang danh nghĩa hành động quyết liệt, tinh thần tiến công, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung nhưng lại độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành, áp đặt đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức để phục vụ ý đồ cá nhân và lợi ích nhóm. Theo ông, cùng với cơ chế bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì cần có quy định ra sao để ngăn chặn những cán bộ tự tung tự tác vì lợi ích cá nhân?
Ông Vũ Văn Phúc: Thực tế hiện nay có tình trạng như vậy. Trong quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cần có cơ chế, chế tài xử lý nghiêm minh những trường hợp này. Bên cạnh việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì cũng cần phát hiện sớm, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng quy định như vậy.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải sớm phát hiện, ngăn chặn từ đầu khi ý tưởng xấu vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm của họ mới bắt đầu manh nha.
PV: Xin cảm ơn ông./.