Nâng cao đạo đức công vụ, tránh lãng phí công sức tiền bạc của dân
VOV.VN -Trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW cần nhấn mạnh đến đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ để không gây lãng phí thời giờ, công sức tiền bạc của dân.
Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19/4, thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã đạt được một số kết quả bước đầu. Công tác xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngành công chức, viên chức, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn của ngạch công chức, viên chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức về cơ bản đã được hoàn thành.
Ảnh minh họa |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính và cung cấp dịch vụ công đạt được nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc quản lý thời gian lao động của cán bộ, công chức viên chức, nghiêm cấm đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức chúc Tết, tặng quà cấp trên trong dịp Tết, nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, gặp mặt để tổ chức ăn uống lãng phí, tặng quà nhận quà với động cơ vụ lợi.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, vấn đề này vẫn còn tồn tại một số hạn chế là việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức và tỷ lệ tinh giản biên chế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức không đúng quy định, buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật lao động, tham gia lễ hội trong giờ làm việc, sử dụng xe công đi lễ hội vẫn còn xảy ra một số cơ quan, đơn vị.
Hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm của một số ngành, đơn vị, địa phương còn có biểu hiện tăng, vượt quy mô, cấp độ, thời gian tổ chức, mời nhiều khách không đúng quy định, không phù hợp, tổ chức hoạt động phụ trợ phô trương, lãnh phí.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đánh giá, trong năm 2016, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt về tinh giản bộ máy cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức và tỷ lệ tinh giản biên chế chưa đạt được mục tiêu đề ra, các giải pháp chưa được thực hiện quyết liệt, đồng bộ.
Quy định về quản lý cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức không đúng quy định, tình trạng buông lỏng, tại một số bộ, ngành, địa phương còn xảy ra tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng theo quy trình, quy định của pháp luật, dẫn đến nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua; chi lương lớn, chiếm tỉ trọng lớn trong chi thường xuyên, chi sự nghiệp...
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, giải pháp vấn đề này là tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, đảm bảo đạt chỉ tiêu 1,5 đến 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, trả lương bằng nguồn thu sự nghiệp.
Các cơ quan tổ chức đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và không quá 50% số biên chế đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chúng ta cần nhấn mạnh về việc thực hiện nghiêm Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, nhưng chúng ta chưa nhấn mạnh vấn đề đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ dân để không gây lãng phí thời giờ, công sức tiền bạc của nhân dân, của doanh nghiệp./.
Việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, phương tiện của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước vẫn còn biểu hiện lãng phí
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho biết: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chính sách chỉ đạo quyết liệt để hạn chế lãng phí trong việc mua sắm tài sản nhà nước, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cụ thể: việc mua sắm, sử dụng tài sản Nhà nước vẫn còn tình trạng không kịp thời, chưa phù hợp và vượt tiêu chuẩn quy định; vẫn còn tình trạng chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, xe ô tô công có lúc, có nơi chưa nghiêm; việc xử lý, thanh lý tài sản còn xảy ra thất thoát, lãng phí, nhất là đối với xe ô tô công và gây nhiều bức xúc trong nhân dân (bán thanh lý không qua đấu giá,…) theo tài liệu tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Ban Tuyên giáo Trung ương thì sau khi thực hiện các quy định mới về chế độ trang bị, sử dụng xe ô tô công, dự kiến sẽ dôi ra khoảng 7000 chiếc; mua sắm công không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, xác định giá gói thầu không hợp lý, dẫn đến giá mua sắm cao bất hợp lý nhất là trong lĩnh vực y tế như tại tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Bắc Kạn...