Nếu kiên trì, chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc sẽ thành công
VOV.VN - "Rất nhiều đồng bào Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau đã ra đi sau chiến thắng 30/4, nhưng nay đã có cái nhìn khác về đất nước trong một tiến trình đổi mới và hội nhập. Tôi tin rằng, nếu kiên trì thì chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của chúng ta sẽ thành công".
Ngày 30/4/1975 là ngày hội thống nhất của non sông, ngày đất nước đã được nối liền sau hơn 21 năm chia cắt. Thế nhưng vẫn còn những thái độ hằn học, thù địch, hiểu không đúng về sự kiện lịch sử này.
Trao đổi với phóng viên VOV, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Hiển, Giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ. Đã là người Việt Nam thì dù họ ở phía nào, nhưng khi đất nước đã thống nhất, đã hòa bình thì nên có thái độ cầu thị.
PV: Thưa PGS-TS Tiến sĩ Vũ Quang Hiển, ngày 30/4/1975, chúng ta đã thống nhất đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có một số người nhìn nhận không đúng về sự kiện lịch sử này. Ông nhận xét thế nào với những quan điểm như vậy?
PGS-TS Vũ Quang Hiển: Ngày 30/4 đã trở thành ngày thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thật ra thì cũng có những ý kiến trái chiều, thậm chí có những người trước đây ở phía bên kia, gọi đó là “ngày quốc hận”. Tôi cho rằng, đấy chỉ là góc nhìn của một số ít người. Chúng ta đều biết, bất kỳ một quốc gia dân tộc nào, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là quyền dân tộc cơ bản, là ý chí của một dân tộc, một thế hệ và nó mang tính thời đại. Còn những người, tạm gọi là “phía bên kia”, thì chúng ta nên nhìn nhận họ là sản phẩm của một chính sách can thiệp từ bên ngoài với ý tưởng là chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành một quốc gia thân Mỹ.
PV: Nhiều người cho rằng, sau Hiệp định Paris năm 1973, chúng ta hoàn toàn có thể dùng biện pháp hòa bình mà vẫn có thể thống nhất đất nước… Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
PGS-TS Vũ Quang Hiển: Thực tế lúc bấy giờ, dù Hiệp định Paris quy định quân đội Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam nhưng quân đội Mỹ vẫn ở lại. Và bản thân Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lúc đó là ông Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố không có chuyện ngừng bắn và vẫn hô hào chiến tranh, tổ chức những chiến dịch khắp nơi. Bởi vậy nên Hiệp định hòa bình được ký kết nhưng chính Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã không chịu thi hành Hiệp định, cho nên cuộc chiến tranh ở miền Nam vẫn chưa chấm dứt. Chính bởi lẽ đó cho nên cách mạng miền Nam muốn tiến lên thì phải dùng chiến tranh cách mạng để xóa bỏ công cụ của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Bởi vì sao, bởi vì chính Mỹ đã dựng nên quân đội và chính quyền Sài Gòn, nó trở thành công cụ của chủ nghĩa thực dân để thực hiện ý đồ chia rẽ dân tộc và chia rẽ đất nước. Việc phải xóa bỏ công cụ của chủ nghĩa thực dân mới là điều không thể tránh được, một khi họ đã cố tình dùng chiến tranh để phá hoại Hiệp định Paris.
PV: Như vậy có thể thấy rằng, chúng ta thực sự muốn hòa bình nhưng kẻ thù buộc chúng ta phải cầm súng đấu tranh. Và chiến thắng 30/4/1975 là một minh chứng rõ nét nhất về khát vọng thống nhất của Nhân dân ta. Sau chiến thắng 30/4, chúng ta đã thực hiện hòa hợp dân tộc như thế nào, thưa ông?
PGS-TS Vũ Quang Hiển: Ngay sau Hiệp định Paris, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực thực hiện chính sách hòa bình và hòa giải, hòa hợp dân tộc. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 diễn ra, Quân đội nhân dân Việt Nam mà trực tiếp là Quân Giải phóng miền Nam cũng đã cố gắng để hạn chế đến mức thấp nhất mọi hy sinh, tổn thất cho cả hai phía. Ngày đánh vào Sài Gòn cũng thế thôi, lúc bấy giờ, Đại tướng Văn Tiến Dũng có chỉ đạo là giải phóng Sài Gòn nhưng cố gắng giữ nguyên vẹn thành phố. Mặc dù lúc đó, người ta tuyên truyền rằng, một cuộc giết chóc sẽ diễn ra ở Sài Gòn, nhưng rõ ràng là điều đó đã không xảy ra. Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, một số sĩ quan, binh sĩ làm trong quân đội và chính quyền Sài Gòn đã được trả về với gia đình sau khi học chính trị. Bởi vì đã là người Việt Nam thì dù ở phía nào nhưng khi đất nước đã thống nhất, đã hòa bình thì nên có thái độ cầu thị, tức là người ta vẫn có thể đóng góp tâm sức cho đất nước. Đó là yêu cầu cần phải nắm tay nhau, để mà bước lên, để xây dựng, bảo vệ đất nước. Thế nhưng một số người vẫn mang tâm trạng người thất trận, thành ra họ tuyên truyền không phù hợp với tình hình thực tiễn. Và rất nhiều đồng bào Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau đã ra đi, nhưng nay đã có cái nhìn khác về đất nước trong một tiến trình đổi mới và hội nhập. Và tôi tin rằng, nếu kiên trì thì chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của chúng ta sẽ thành công.
PV: Sau 21 năm kiên trì đấu tranh, chúng ta đã đánh đuổi được đế quốc Mỹ xâm lược ra khỏi bờ cõi, chấm dứt cảnh Nam - Bắc phân chia. Theo ông, tại sao vẫn còn những người có quan điểm trái chiều về sự kiện này?
PGS-TS Vũ Quang Hiển: Một là họ hiểu nhầm về đất nước, không có thông tin về đất nước mà chỉ nghe người này, người kia kích động. Hai là biết đất nước mình đã thay đổi, biết chính sách của Nhà nước Việt Nam nhưng họ vẫn cố tình xuyên tạc. Đây là thế lực chống đối, thường xuyên kích động theo cách chỉ chọn cái xấu ra để nói. Từ những hiện tượng xấu, khái quát lên, nâng cao lên thành bản chất. Phải nói rằng, có cả những người trước đây đã nhiệt tình tham gia đấu tranh thống nhất đất nước nhưng sau này bất mãn, bắt đầu tuyên truyền chống đối, chống phá.
Tuy vẫn còn một số người nhầm tưởng nhưng tôi nghĩ, đến một lúc nào đó, họ sẽ thấy rõ thực tiễn và thực tiễn sẽ trả lời. Và rõ rằng, vị thế của đất nước chúng ta đang được nâng cao trên trường quốc tế. Và tất cả những người nhìn nhận về quá khứ, nhìn nhận về Việt Nam chưa đầy đủ, chưa đúng đắn thì đến một lúc nào đó họ sẽ tỉnh ngộ.
PV: Chúng ta phải chú trọng việc giáo dục truyền thống lịch sử để nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu được lịch sử của đất nước để có cách ứng xử đúng đắn cho hiện tại và tương lai?
PGS-TS Vũ Quang Hiển: Giáo dục lịch sử là một việc rất quan trọng. Bởi vì tri thức lịch sử và văn hóa dân tộc là tri thức nền tảng để xây dựng nên con người Việt Nam. Và lịch sử đã diễn ra chúng ta không thể làm lại được, nhưng lịch sử cho chúng ta kinh nghiệm. Việc giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam về sự thực lịch sử, không chỉ giúp cho họ tự hào về truyền thống lịch sử mà còn giúp họ thấy được chiến tranh tàn khốc như thế nào; nhân dân Việt Nam phải cầm súng là chuyện bắt buộc. Như bộ đội chúng tôi lúc bấy giờ vẫn nói “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”, tức là bắt buộc phải cầm súng chiến đấu. Tôi nghĩ rằng, lịch sử đã đi qua, việc giáo dục lịch sử là hết sức cần thiết, trong đó có sự kiện ngày 30/4/1975, ngày toàn thắng của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và cũng là ngày hội thống nhất non sông.
PV: Xin cảm ơn PGS-TS Vũ Quang Hiển./.